Trận động đất vừa xảy ra ở Tây Tạng mạnh như thế nào?

Phạm Hường

(Dân trí) - Trận động đất kinh hoàng có cường độ lên tới 7,1 độ, xảy ra ở nơi có những thành phố thiêng của vùng Tây Tạng, Trung Quốc.

Trận động đất xảy ra lúc 9h05 ngày 7/1 theo giờ địa phương. Tính đến 3h chiều cùng ngày, đã có 95 người chết và hơn 130 người khác bị thương.

Chính quyền Trung Quốc cho biết cường độ của trận động đất này là 6,8 độ, nhưng Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đo được là 7,1 độ.

Tâm chấn của trận động đất nằm bên dưới huyện Dingri thuộc thành phố linh thiêng Xigazê ở khu tự trị Tây Tạng, tây nam Trung Quốc.

Trận động đất vừa xảy ra ở Tây Tạng mạnh như thế nào? - 1
Vết nứt trên tường một ngôi nhà ở Tây Tạng sau khi động đất xảy ra sáng ngày 7/1/2025 (Ảnh: VCG/ Getty Images).

Khoảng 6.900 người sống trong phạm vi 20km tính từ tâm chấn của trận động đất này. Các cuộc khảo sát sơ bộ cho biết hơn 1.000 ngôi nhà đã bị hư hại, một số ngôi nhà đã biến thành đống đổ nát.

Các quan chức đã cử hơn 1.500 lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đến các khu vực bị ảnh hưởng.

Sau trận động đất ở Tây Tạng, có hàng chục cơn dư chấn có cường độ lên tới 4,4 độ. Các nước láng giềng như Nepal, Bhutan và Ấn Độ đều cảm nhận được rung chấn.

"Đã có một số dư chấn có khả năng gây thiệt hại và dự kiến sẽ còn nhiều dư chấn nữa xảy ra trong khu vực", người phát ngôn của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho biết.

Hầu hết các trận động đất đều có dư chấn, và theo quy luật, động đất càng lớn thì dư chấn càng mạnh và kéo dài càng lâu.

Các cơn dư chấn của trận động đất ở Tây Tạng có thể ảnh hưởng đến khu vực này trong nhiều tháng tới, gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân sống trong khu vực, nhưng sau một vài ngày, số lượng dư chấn dự kiến sẽ giảm nhanh chóng.

Trận động đất vừa xảy ra ở Tây Tạng mạnh như thế nào? - 2
Thành phố Xigazê trước khi xảy ra động đất (Ảnh: Getty Images).

Theo USGS, động đất xảy ra khi hai khối đất trượt qua nhau tại các đường đứt gãy — các vùng nằm giữa các khối này. Các sự kiện đứt gãy như vậy ở Tây Tạng thường bao phủ một khu vực dài khoảng 45km và rộng 20km.

Trận động đất lần này xảy ra ở độ sâu 10km gần ranh giới mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ. Khu vực này có lịch sử xảy ra động đất lớn, trong đó có trận động đất tại Nepal vào năm 2015 với cường độ 7,3 độ, hay trận động đất Gorkha mạnh 8,0 độ khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng.

Các mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ va chạm vào nhau thúc đẩy một quá trình nâng lên ở dãy Himalaya, bao gồm cả đỉnh Everest.

Mảng Ấn Độ đang trượt bên dưới mảng Á-Âu, đẩy rìa của mảng Á-Âu lên. Các rìa của hai mảng đã khá cao trước khi chúng bắt đầu va chạm hàng triệu năm trước, góp phần tạo nên độ cao lớn của dãy Himalaya.

Các nhà khoa học không thể dự đoán được động đất. Chúng thường xảy ra mà không có cảnh báo trước và trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất.

Theo www.livescience.com