Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”: Thanh tra không phát hiện xăng giả

(Dân trí) - Trong năm 2018, Bộ Khoa học Công nghệ triển khai thanh tra 3 vấn đề nóng, trong đó có vấn đề chất lượng xăng dầu. Thực hiện kế hoạch này, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu, xong kết quả chỉ có 1 trường hợp không đảm bảo tiêu chuẩn, chứ không phát hiện xăng giả.

Chỉ có 1 mẫu xăng vi phạm chất lượng

Tháng 4/2018, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN), chánh thanh tra của bộ này cho biết, xuất phát từ vấn đề nóng lên của dư luận xã hội cũng như từ yêu cầu quản lý nên thanh tra bộ đề xuất với lãnh đạo bộ thực hiện chương trình thanh tra chuyên đề với 3 nội dung, trong đó có vấn đề chất lượng xăng dầu.

Theo thanh tra Bộ KH-CN, việc thanh tra chất lượng xăng dầu xuất phát từ việc buôn lậu xăng dầu đã nổi lên ở một số các tỉnh, đặc biệt là khu vực Miền Trung.

Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”:  Thanh tra không phát hiện xăng giả - 1
Lực lượng chức năng triệt phá đường dây làm xăng giả liên quan đến đại gia Trịnh Sướng

Thực hiện kế hoạch trên, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Nông đã tiến hành 2 đợt thanh tra về Chuyên ngành ghi nhãn hàng hóa và chất lượng xăng dầu (tháng 6/2018) và Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng xăng dầu (tháng 9/2018).

Tại đợt thanh tra lần thứ nhất, tháng 6/2018, đoàn thanh tra đã làm việc với 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu tại TX. Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil, Đắk Song. Trong tổng số 5 mẫu xăng được lấy mẫu để thử nghiệm chất lượng, đoàn thanh tra phát hiện 2 mẫu xăng dầu, của 2 cơ sở kinh doanh có vi phạm quy định pháp luật về chất lượng.

Cũng kết luận thanh tra ngày 3/7/2018 của Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông, trong 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu bị xử phạt đợt này, chỉ có 1 mẫu xăng của Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Hiệp Thu (huyện Đắk Song) là bán xăng RON 95 không có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Công ty này sau đó bị phạt gần 36 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh 2 tháng.

Ba tháng sau, Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông tiến hành thanh tra đợt 2. Số lượng cơ sở kinh doanh xăng dầu này của đợt thanh tra lần này là 30 cơ sở. Kết quả thanh tra cho thấy, tất cả các mẫu xăng dầu đều đảm bảo chất lượng, phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật.

Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”:  Thanh tra không phát hiện xăng giả - 2
Một trong những đầu mối để công an triệt phá đường dây sản xuất xăng giả

Theo bà Phùng Thị Vân, Chánh thanh tra Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông, các đợt thanh tra về chất lượng xăng dầu này đều thực hiện theo kế hoạch của Bộ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu giả mới bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua, cơ quan chức năng đều không tiến hành thanh tra nên không thể phát hiện sai phạm.

Chánh văn phòng Sở KH-CN tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Đặng cho biết thêm, để tránh chồng chéo với các đơn vị khác, thì kế hoạch thanh tra phải được lập và gửi cho Thanh tra tỉnh xem xét. Năm 2018 đơn vị này thực hiện 2 đợt thanh tra về chất lượng xăng dầu. Năm 2019 Sở này chưa thực hiện thanh tra xăng dầu.

Cây xăng dễ “qua mặt” cơ quan chức năng ?

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu trong xã hội và được quản lý rất chặt chẽ. Để kinh doanh xăng dầu tại một địa phương, các cơ sở kinh doanh phải chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan ban ngành, trong đó có Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y Tế, Cục Quản lý thị trường… . Tuy nhiên, việc hàng triệu lít xăng giả dễ dàng được đưa ra thị trường, chứng tỏ nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đã có chiêu thức để “qua mặt” cơ quan chức năng.

Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”:  Thanh tra không phát hiện xăng giả - 3
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, thủ đoạn và phương thức sản xuất, tiệu thụ xăng giả rất tinh vi

Tại buổi họp báo công bố những kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan công an, đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, phát hiện hàng loạt cơ sở xăng dầu trên địa bàn có hành vi bán xăng giả. Quản lý, nhân viên của các cửa hàng này có biết vì đã nhiều lần loại hỗn hợp này được pha trực tiếp tại cây xăng, trước khi đưa xuống bồn chứa. Nhiều đối tượng là quản lý, nhân viên của các cây xăng sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Cũng theo ông Quy, việc sử dụng xăng giả, được pha chế từ dung môi và chỉ có khoảng 40% xăng nguyên chất sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất, gây hỏng động cơ và là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện. Thủ đoạn và phương thức sản xuất, tiệu thụ xăng giả của các đối tượng rất tinh vi.

Trong khi đó, theo lời khai ban đầu của các đối tượng nằm trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả vừa bị Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá, các cửa hàng xăng dầu trực tiếp mua hàng của các đối tượng này. Việc mua bán này không thông quan đơn vị phân phối và hoàn toàn không có giấy tờ, chứng từ gì.

Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”:  Thanh tra không phát hiện xăng giả - 4
Theo chủ một cửa hàng xăng dầu, việc mua bán xăng không có háo đơn, chứng từ tồn tại nhiều năm

Một chủ cửa hàng xăng dầu tại Đắk Nông, đường dây mua bán xăng dầu không hóa đơn chứng từ này tồn tại đã khá lâu. Nhiều chủ cây xăng đã được mời chào với mức giá khá thấp, thấp hơn từ 10 - 15% so với giá thị trường, nếu bán xăng này, mỗi lít bán ra có thể lãi từ 2.000 - 3.000 đồng. “Nếu đồng ý mua thì liên hệ với họ, họ sẽ chở xe bồn về giao trực tiếp chứ không thông qua tổng đại lý”, người này cho hay.

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk

Xăng dầu giả được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành phố

Tại buổi họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an xác định, lượng xăng dầu vô cùng lớn đã được xuất bán cho các địa phương như Đắk Lắk, Cần thơ, Khánh Hòa, Hậu Giang, Nghệ An, Hải Phòng…

Vụ triệt phá đường dây xăng giả “khủng”:  Thanh tra không phát hiện xăng giả - 5
Các mẫu vật liên quan đến vụ án làm xăng giả

Xăng giả được tạo ra từ dung môi, khoảng 40% xăng nền cùng chất bột màu vàng. “Hiện nay Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo với Bộ Công an thông báo cho công an trên toàn quốc rà soát lại xem các phương tiện cháy nổ trong 3 năm gần đây để làm rõ có phải do xăng giả hay không", đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nói.

Nông cho biết, hàng năm Sở này đều tiến hàng tranh tra chất lượng xăng dầu. Việc thanh tra theo kế hoạch thì các cơ sở kinh doanh đều biết, nên có thể các cây xăng “gian lận” biện pháp đối phó. Chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm, thực hiện thanh tra đột xuất thì mới có “bằng chứng” để xử phạt các cơ sở kinh doanh này.

Hiện nay có 17 tổng đại lý xăng dầu, cung cấp xăng dầu cho khoảng hơn 240 cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh Đắk Nông. Ban đầu các cửa hàng xăng dầu đăng ký để Sở Công thương biết được đầu mối cung cấp đầu vào, nhưng trong quá trình kinh doanh, các cửa hàng này thay đổi liên tục đầu mối và phải xin cấp phép lại.

“Việc kiểm tra các cây xăng này có liên quan đến nhiều Sở, ban ngành bởi nó thuộc nhiều lĩnh vực. Một số cây xăng bị phát hiện buôn bán xăng giả vừa rồi thì chưa thanh tra, kiểm tra lần nào”, một cán bộ Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho hay.

Dương Phong