Vụ đâm Chicxulub có sức công phá tương đương một triệu quả bom nguyên tử
(Dân trí) - Cách đây 65 triệu năm, sau khi thiên thạch Chicxulub đâm vào Trái Đất, một loạt các trận động đất có sức mạnh 9,1 độ richter đã làm rung chuyển Trái Đất.
Gần bán đảo Yucatan, Mexico, một thiên thạch có đường kính 10km đã đâm xuống Trái Đất, tạo thành miệng núi lửa Chicxulub rộng tới 180km.
Sức mạnh của nó tương đương với khoảng một triệu quả bom nguyên tử, đã tàn phá Trái Đất và là nguyên nhân một phần dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long.
Dấu vết do tác động của thiên thạch đã được nhìn thấy ở nhiều nơi trên Trái Đất. Điều này, cho phép các nhà khoa học tái tạo lại chuỗi sự kiện gây nên thảm họa này.
Theo các nhà nghiên cứu, vào thời khắc của vụ va chạm, Trái Đất như trong một biển nhiệt độ khổng lồ, cháy rừng diện rộng xảy ra, đá tan chảy, một phần hóa thành lượng lớn bụi, khí gas bay vào trong khí quyển, kèm theo là một siêu sóng thần hủy diệt cao tới 1,5km.
Cảnh vật nhanh chóng biến thành một địa ngục dài hàng nghìn km xung quanh miệng núi lửa do tiểu hành tinh để lại.
Năng lượng lớn hơn 50.000 lần so với trận động đất lịch sử ở Sumatra
Nhà địa chất, Hermann Bermúdez, Đại học Columbia giải thích sau khi phân tích đá trầm tích thu thập ở Hoa Kỳ: "Tác động của sự kiện này là vô cùng khủng khiếp, chúng kéo theo một loạt các trận động đất lớn xảy ra lên tới hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng".
Các mẫu đá từ sự kiện này cho thấy tác động của tiểu hành tinh tạo ra một trận động đất lớn rung chuyển liên tục trong vài tháng với cường độ khoảng 9,1 độ Richter, giải phóng một năng lượng gấp hơn 50.000 lần của trận động đất xảy ra ở Sumatra năm 2004 (gây ra các trận động đất khác ở xảy ra ở tận Alaska, Hoa Kỳ và khiến toàn Trái Đất dịch chuyển vài centimet).
Trong số các bằng chứng thu thập, có loại đá trầm tích lấy từ đáy đại dương, các nhà nghiên cứu đã xác định đây chính là tektites (thiên thạch).
Tektites là những giọt đá nóng chảy được đẩy vào khí quyển trong vụ va chạm, chúng bị tan chảy, nguội và đông đặc lại trước khi rơi xuống như mưa, rải rác trong đường kính hàng nghìn km xung quanh miệng núi lửa Chicxulub.
Giống như vụ va chạm khổng lồ xảy ra ở Nam Phi hơn 2 tỷ năm trước, có thể gây ra động đất trong vài nghìn năm, sự sụp đổ của tiểu hành tinh Chicxulub đã phun một khối lượng đá đáng kể vào không gian, sau đó chúng "bật trở lại", hòa cùng các chuyển động kiến tạo địa chất.