Voi nỗ lực cứu tê giác khỏi bầy sư tử háu đói nhưng bất thành

Minh Khôi

(Dân trí) - Đang di chuyển, voi quan sát thấy một con tê giác bị bầy sư tử bao vây tấn công. Chúng lập tức hành động.

Voi gắng cứu tê giác khỏi bầy sư tử háu đói

Sự việc xảy ra tại Công viên Quốc gia Etosha (Namibia), được khách du lịch ghi lại bằng camera điện thoại, cho thấy khoảnh khắc một con tê giác bị mắc kẹt dưới vũng lầy.

Nó bị bầy sử tử bao vây mà chẳng hề có khả năng chống cự. Tưởng như đã không còn lối thoát, tê giác bất ngờ gặp "quý nhân phù trợ".

Từ phía xa, một bầy voi xuất hiện. Quan sát thấy tê giác là mục tiêu tấn công của sư tử, chúng lập tức tiến tới, khiến những kẻ săn mồi vội vàng tháo chạy.

Hành động tiếp theo của một con voi còn khiến người xem bất ngờ hơn nữa, khi nó cố gắng bước tới vũng lầy và đẩy con tê giác đang bị mắc kẹt.

Thế nhưng, dù voi đã xoay xở đủ mọi cách, tê giác vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo.

Hố nước này có vẻ khá sâu, và lớp bùn dày dưới đáy vẫn níu chặt lấy chân của con tê giác.

Sau nhiều giờ cố gắng, con voi biết rằng nó không thể giúp đỡ "người bạn" của mình, nên đành bỏ cuộc, và rời đi.

Bầy sư tử chỉ đợi có thể, ngay lập tức quay lại, và tiếp tục thưởng thức "bữa tiệc" của mình.

Voi nỗ lực cứu tê giác khỏi bầy sư tử háu đói nhưng bất thành - 1

Tê giác Sumatra đang ở tình trạng nguy cấp và có khả năng tuyệt chủng (Ảnh: WWF).

Tê giác là loài động vật ăn cỏ lớn thứ 2 trên cạn, chỉ sau voi.

Một con tê giác đen trưởng thành có thể cao từ 1,5m tính từ vai và dài khoảng 3 - 3,65m. Cá thể đực có thể đạt cân nặng lên đến 1360 kg, trong khi con cái nhỏ và nhẹ hơn rõ rệt.

Bên cạnh kích thước đồ sộ chúng còn sở hữu lớp da siêu dày, được ví như một cỗ xe tăng sống.

Vũ khí của chúng là cặp sừng ở chóp mũi, sừng phía trước lớn hơn và dài tới 71cm. Khi tấn công, tê giác thường chúc đầu lao tới, sau đó dùng cặp sừng để đẩy đối phương lùi lại, hoặc húc tung lên trời.

Dẫu vậy, tê giác lại rất kém khi xoay xở ở không gian hẹp. Đặc biệt là khi trọng lượng rất lớn của chúng trở thành "gánh nặng" như trong đoạn clip trên.

Tê giác có tính tình khá ôn hòa, và ít khi chủ động lao vào tấn công các loài vật khác. Thay vào đó, chúng thường sẽ bỏ chạy khỏi các cuộc xung đột hơn là đối mặt với chúng.

Dẫu vậy, do tình trạng thu hẹp môi trường sống và biến đổi khí hậu, tê giác đang mất dần chỗ đứng trong tự nhiên vì sự khó thích nghi với các vùng khí hậu mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm