1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sói đột biến ở Chernobyl tiến hóa để đối chọi căn bệnh ung thư

Minh Khôi

(Dân trí) - Từ trong bóng tối của thảm họa hạt nhân, những chú sói kiên cường này cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước căn bệnh chết người.

Sói đột biến ở Chernobyl tiến hóa để đối chọi căn bệnh ung thư - 1

Sói đột biến ở Chernobyl tiến hóa để đối chọi căn bệnh ung thư (Ảnh: Getty).

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (ngày nay thuộc quốc gia Ukraine) bất ngờ phát nổ, với sức mạnh tương đương với 66 tấn thuốc nổ TNT. Sự kiện đã gây xáo trộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người và ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.

Gần 40 năm sau, khu vực có chu vi khoảng 1.000 dặm vuông xung quanh nhà máy hạt nhân đang dần trở thành một trong những khu vực thí nghiệm khoa học lớn nhất thế giới, nhằm khám phá những tác động lâu dài của bức xạ ion hóa.

Đối tượng của nghiên cứu thường là những loài động vật chịu tác động của thảm họa hạt nhân. Trong đó, đáng chú ý nhất là loài sói xám hoang dã, khi chúng đã tiến hóa để phát triển mạnh mẽ, và thậm chí trở thành loài đứng đầu chuỗi thức ăn tại Chernobyl.

Điều đáng kinh ngạc là những con sói này đã liên tục phải tiếp xúc với bức xạ cao gấp 6 lần giới hạn pháp lý đối với con người. Chúng cũng thường xuyên ăn những động, thực vật bị nhiễm xạ mọc ra từ đất.

"Về cơ bản, chúng đã sống trong điều kiện liên tục bị phơi nhiễm với bức xạ ion hóa, dù chỉ có liều lượng thấp", Campbell-Stanton, nhà sinh vật học tại Đại học Princeton, cho biết.

Giả thuyết của Campbell-Stanton cho rằng loài sói ở Chernobyl đang trải qua một kiểu chọn lọc tự nhiên diễn ra nhanh chóng. Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi của môi trường xung quanh chúng.

Theo đó, sự khắc nghiệt của môi trường bức xạ có thể đã giết chết đa số loài sói bằng căn bệnh ung thư. Tuy nhiên, dường như một vài cá thể trong số chúng có chứa một gen đột biến đặc biệt, giúp mang lại khả năng chống lại bệnh ung thư tốt hơn những con sói khác.

Sau đó, chúng tiếp tục sống sót, và truyền lại những gen này cho thế hệ tương lai. Nhờ vậy, quần thể sói có thể sống sót trước mối đe dọa từ bức xạ hạt nhân.

Một điều kiện khác giúp chúng có thể phát triển mạnh mẽ là sự ít can thiệp của con người. 

"38 năm sau thảm họa, thiên nhiên dường như lấy lại quyền lợi của chúng khi không có sự xuất hiện thường xuyên của con người", Campbell-Stanton cho biết.

Thông qua việc nghiên cứu sự biến đổi của hệ động - thực tại Chernobyl, các nhà khoa học hy vọng rằng con người sẽ sớm tìm ra các biện pháp để chống lại căn bệnh ung thư, cũng như sự ảnh hưởng từ bức xạ hạt nhân.