1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Voi ma mút lông xoăn sẽ được hồi sinh, "chăn thả" tại Bắc Cực?

Trang Phạm

(Dân trí) - Voi ma mút lông xoăn đã tuyệt chủng cách đây gần 4.000 năm, với lý do chính được các nhà khoa học cho là những thay đổi khí hậu.

Voi ma mút lông xoăn sẽ được hồi sinh, chăn thả tại Bắc Cực? - 1

Giới chức nước cộng hòa Sakha ở Siberia, thuộc Liên bang Nga, đang xem xét đề xuất của một công ty Mỹ về việc đưa voi ma mút lông đã tuyệt chủng về đây cư trú nếu chúng được hồi sinh.

Cụ thể, ông Nikita Zimov, người đứng đầu dự án Pleistocene Park (Công viên kỷ Nhân sinh) nhằm khôi phục hệ sinh thái chăn thả ở Bắc Cực cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công viên cho biết sẵn sàng tiếp nhận.

"Chúng tôi cần cải thiện cơ sở hạ tầng của công viên, xây dựng các cơ sở có mái che, chuẩn bị thức ăn gia súc cũng như đào tạo các bác sĩ thú y. Quá trình này sẽ mất 5-7 năm. Nếu một con con được sinh ra trong thời gian đó thì chúng tôi sẽ không để nó đi lang thang trong công viên mà không giám sát. Chúng tôi có mục tiêu chính là tạo ra một quần thể voi ma mút nhỏ", Zimov nói.

Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi một công ty khởi nghiệp của Mỹ, Colossal Biosciences, tiết lộ kế hoạch "hồi sinh" một con voi ma mút lông xoăn.

Theo công ty này, họ có kế hoạch tạo ra một "con lai giữa voi và voi ma mút" bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene.

Colossal Biosciences cho biết sẽ đưa DNA của một con voi ma mút lông xoăn được phục hồi từ xương, ngà và các bộ phận được bảo quản tốt khác vào bộ gene của một con voi châu Á.

Theo CEO của công ty từ Mỹ, Ben Lamm, mục tiêu của dự án không chỉ là làm cho các loài động vật đã tuyệt chủng sống lại mà còn để "xây dựng lại hệ sinh thái, chữa lành Trái đất của chúng ta và bảo tồn tương lai của nó".

Ông Lamm nói: "Ngoài việc đưa các loài đã tuyệt chủng cổ đại trở lại, như voi ma mút lông xoăn, chúng tôi sẽ có thể tận dụng các công nghệ của mình để giúp bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp hiện nay".

Colossal Biosciences tuyên bố đã huy động được 15 triệu USD cho dự án. Mặc dù một số nhà khoa học nhận thấy nỗ lực này rất thú vị, nhưng cũng vướng phải không ít những chỉ trích vì họ cho rằng nên chi tiền cho các loài động vật hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hơn là các loài đã tuyệt chủng từ lâu.

Jeremy Austin, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm ADN cổ thuộc Đại học Adelaide (Australia) nhận định: "Thực sự lãng phí khi cố gắng hồi sinh một sinh vật hay thực vật đã tuyệt chủng, trong khi những sinh vật đặc biệt khác đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hiện hữu".