1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Do đâu mà voi ma mút rậm lông khổng lồ tuyệt chủng?

Phạm Hường

(Dân trí) - Nghiên cứu bằng các phép mô phỏng cho thấy sự kết hợp việc con người tận săn loài thú này cộng với tình trạng biến đổi khí hậu đã tiêu diệt toàn bộ loài vật này khoảng 4.000 năm trước.

Do đâu mà voi ma mút rậm lông khổng lồ tuyệt chủng? - 1

Voi ma mút rậm lông đã không tuyệt chủng cách đây 4.000 năm nếu con người không có mặt trên Trái Đất.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng thời tiết cực đoan hoặc một căn bệnh di truyền là nguyên nhân khiến loài vật khổng lồ này biến mất, nhưng theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia ở Australia, voi ma mút đã không tuyệt chủng nếu không bị con người săn đuổi đến tận cùng như vậy.

Tiến sĩ Damien Fordham của Trường đại học Adelaide, Australia, cho biết nếu không có con người, thì đến nay voi ma mút rậm lông vẫn còn. Các mô hình nghiên cứu cho thấy ở lục địa Á-Âu, voi ma mút vẫn còn tồn tại lâu hơn về sau này so với kết luận của các nghiên cứu trước đây. 

Voi ma mút rậm lông, loài voi ma mút cuối cùng, xuất hiện đầu tiên ở vùng Đông Á cách đây 400.000 năm. Một con voi trưởng thành cao khoảng 3,3 mét và nặng 6 tấn. Họ hàng gần nhất của nó còn sống đến ngày nay chính là voi châu Á.

Do đâu mà voi ma mút rậm lông khổng lồ tuyệt chủng? - 2
Những con thú khổng lồ này đã từng một thời có mặt khắp Bắc Mỹ và Siberia.

Voi ma mút còn sống ở khắp Bắc Mỹ và Siberia nhưng số lượng đột nhiên sụt giảm rất nhiều cách đây khoảng 10.000 năm. Một số đàn còn sống sót rải rác ở các đảo Bắc Cực cho đến 4.000 năm trước.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của loài voi này vẫn luôn là một câu hỏi được nhiều nhà khoa học quan tâm. Nhiều nhà khoa học tin rằng việc con người săn lùng chúng đến tận cùng đã làm loài vật này biến mất hoàn toàn. Một số khác cho rằng khí hậu ấm lên đã khiến chúng mất môi trường sống. 

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Fordham đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy sự kết hợp của cả hai yếu tố con người và biến đổi khí hậu mới làm cho voi ma mút tuyệt chủng.

Các mô hình nghiên cứu của nhóm đã tái hiện tình hình sinh sống của loài vật này trong 22.000 năm trước khi chúng biến mất trong điều kiện chịu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đẩy chúng di cư dần về phía Bắc cùng với sự di cư của loài người trên khắp lục địa Á-Âu. Và cuối cùng, con người đã "đẩy nhanh" sự suy giảm vốn do biến đổi khí hậu gây ra, chấm dứt sự tồn tại của voi ma mút.

Điều đó có nghĩa là nếu vì con người tận diệt thì rất có thể voi ma mút rậm lông vẫn còn sống đến tận ngày nay.