Virus corona: Vì sao tỷ lệ tử vong ở các nước khác nhau?

(Dân trí) - Số người nhiễm và số người chết là những thông tin luôn được chú ý trong những ngày qua. Nhìn vào con số thống kê, chúng ta có thể thấy tỷ lệ chết ở các nước khác nhau rất nhiều. Vì sao lại như vậy?

Virus corona: Vì sao tỷ lệ tử vong ở các nước khác nhau? - 1

Nước Ý hiện có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất thế giới.

Ở Đức, số người chết tương đối thấp so với số người nhiễm. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với ở Ý. Theo số liệu của Trường đại học Johns Hopkins, Mỹ, hiện nay tỷ lệ chết ở Đức là 0,4% trong khi ở Ý cao gấp 20 lần.

Virus corona: Vì sao tỷ lệ tử vong ở các nước khác nhau? - 2

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng sự khác biệt này do nhiều yếu tố gây ra.

Yếu tố thứ nhất là “tháp dân số” hay độ tuổi và giới tính dân số ở một nước. Thứ hai là năng lực y tế và chăm sóc sức khỏe của từng nước, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là số người được xét nghiệm, bởi vì con số thống kê chính thức chỉ dựa vào con số xét nghiệm.

Một số nước còn làm xét nghiệm thêm cho cả những người chết, và con số này cũng ảnh hưởng đến thống kê. 

Ai được xét nghiệm?

Nhà kinh tế học người Đức, Andreas Backhaus cho rằng độ tuổi trung bình của các ca bệnh ở Ý là 63 và ở Đức là 45 tại thời điểm ông đưa ra ý kiến.

Điều này có thể hiểu được nếu như ở Ý có ít người trẻ được xét nghiệm hơn là ở Đức, mà người trẻ thì thường chỉ có triệu chứng nhẹ. Những trường hợp này sẽ không nằm trong tổng số người bị nhiễm. Vì thế con số tỷ lệ chết sẽ bị ảnh hưởng theo, khi chỉ có những ca bệnh nặng mới được ghi nhận chính thức.

Một báo cáo đăng trên tờ báo toàn quốc của Ý, báo Corriere della Sera, cho thấy rất có thể một số lượng lớn các ca bệnh ở nước này không được liệt kê chính thức, kể cả ca nhiễm lẫn ca chết sau khi nhiễm bệnh.

Ở Hàn Quốc thì hoàn toàn ngược lại. Chính quyền nước này cho tiến hành xét nghiệm nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Và tỷ lệ chết ước tính ở Hàn Quốc là cực kỳ thấp.

Tháp dân số

Độ tuổi trung bình của dân số cũng có một vai trò quan trọng. Người già là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm virus corona vì họ thường có bệnh nền. Do đó virus dễ vượt qua được hệ miễn dịch của họ, tất nhiên là dễ hơn so với những người trẻ thường là những đối tượng khỏe mạnh. Người càng già thì miễn dịch càng yếu, hệ miễn dịch càng kém hiệu quả và và càng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Nhưng không hẳn vì lý do này mà có sự khác biệt lớn giữa tỷ lệ chết ở hai nước Đức và Ý vì hai nước này có tháp dân số gần giống nhau. Năm 2018, tuổi trung vị ở Đức là 46,0 và ở Ý là 46,3.

Yếu tố này có thể có vai trò lớn hơn ở các nước châu Phi cận Sahara, những nước này có tuổi trung vị thấp hơn. Ví dụ ở Chad, tuổi trung vị là 16. 

Thời điểm của bệnh dịch

Thời điểm xảy ra bệnh dịch cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ chết ở các nước. Những nước bị bùng phát mạnh như Ý và Tây Ban Nha đều là những nước xảy ra bệnh dịch trước so với Đức.  

Vì từ thời điểm bắt đầu nhiễm bệnh đầu tiên cho đến thời điểm bệnh nhân nặng bị chết là một khoảng thời gian, cho nên tỷ lệ chết giữa các ca được xác nhận thường tăng lên về thời gian cuối của đợt dịch.

Một số nhà khoa học cho rằng Đức vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch, và khi nào đến ngưỡng đó, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ chết ở nước này cao hơn hiện nay.

Năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe

Tuy vậy, câu hỏi quan trọng nhất là hệ thống y tế của một nước có khả năng ứng phó với bệnh dịch đến đâu, nước đó có thành công trong việc “làm giảm đường cong biểu đồ” hay không. Vấn đề ở đây là làm sao giảm được khả năng xảy ra những đợt lây nhiễm bùng phát bất chợt và giảm tỷ lệ chết bằng cách giữ cho các con số được ổn định mỗi khi có một loại virus tấn công cộng đồng. 

Ví dụ, có thể giảm được số người chết do virus corona mới nhờ có sự trợ giúp của các máy thở. Vì thế, điều quan trọng là phải có đủ giường bệnh chăm sóc tích cực và người bệnh nặng được sử dụng các máy móc hỗ trợ đó.

Nếu có quá ít giường bệnh chăm sóc tích cực và quá ít máy thở, thì những bệnh nhân nặng sẽ có nguy cơ tử vong cao. 

Và chỉ riêng yếu tố này đã có sự khác biệt lớn giữa Đức và Ý. Dân số của Ý là khoảng 60 triệu người. Tại thời điểm bắt đầu của đại dịch, nước này chỉ có khoảng 500 giường bệnh điều trị tích cực.

Đức có khoảng 80 triệu dân và 28.000 giường bệnh điều trị tích cực và số giường bệnh này sẽ được tăng gấp đôi trong thời gian ngắn sắp tới.

Trên thế giới, con số giường bệnh điều trị tích cực là một câu chuyện rất khác nhau. Ở Đức, có 29 giường/ 100.000 người; ở Mỹ là 34 giường/ 100.000 người; ở Ý là 12 giường và Tây Ban Nha chỉ có 10 giường. 

Tình hình bệnh dịch ở Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm nhờ biện pháp cho xét nghiệm đại trà và cách ly nghiêm ngặt. Nước này có tỷ lệ 10,6 giường bệnh chăm sóc tích cực/ 100.000 dân. 

Hàn Quốc đã tăng cường chính sách cách ly nghiêm ngặt và sớm đưa được đường cong biểu đồ về đường thẳng. Nước này chỉ có 10.000 ca nhiễm. Con số này của Ý cao gấp 8 lần và Tây Ban nha gấp 6 lần, tại thời điểm hiện nay.

Chừng nào đại dịch còn tiếp diễn, số người nhiễm và số người tử vong sẽ còn khác nhau nhiều từ nước này sang nước khác và từ châu lục này sang châu lục khác. Chỉ khi nào chúng ta bước qua được thời điểm tồi tệ nhất thì mới có thể tính được các con số đáng tin cậy, còn hiện nay chỉ là những con số ước tính không ai biết khác xa bao nhiêu so với thực tế.

Phạm Hường 

Theo DW

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm