Virus corona mới sẽ lây lan tới đâu?

(Dân trí) - Khả năng lây lan và phát tán virus corona phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả những yếu tố chúng ta vẫn chưa hề biết đến.

Mỗi thời khắc qua đi lại có thêm một tin tức bất ngờ về virus corona mới. Cho đến nay, đã có hơn 11.000 ca nhiễm vi rút được xác nhận chắc chắn.

Virus corona mới sẽ lây lan tới đâu? - 1

Một trong những câu hỏi quan trọng mà nhiều người thắc mắc, đó là vi rút này sẽ phát tán tận đâu.

Thật khó để đưa ra câu trả lời, bởi vì phạm vi của bệnh dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như khi những cá thể nhiễm vi rút lại trở thành vật chủ phát tán vi rút, khả năng họ có thể phát tán vi rút là bao lâu và vi rút có thể sống lâu chừng nào bên ngoài cơ thể người bệnh. 

Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Hồng Công đã phát triển một mô hình dự báo rằng tổng số người nhiễm ở 5 thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Trùng Khánh, sẽ lên đỉnh điểm vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay. Trong giai đoạn này, mỗi ngày ở riêng Trùng Khánh sẽ có thêm khoảng 150.000 người nhiễm vi rút.

Nguyên nhân là do đây là thành phố đông dân và lưu lượng người đi lại giữa Vũ Hán và Trùng Khánh rất lớn. Mô hình này cũng dự báo rằng số người có triệu chứng mắc bệnh ở Vũ Hán sẽ lên đến hơn 50.000 người vào cuối tuần này. Tất nhiên, tình hình đang thay đổi rất nhanh và các ước tính còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố vẫn còn chưa được biết rõ.

Vi rút đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Cho đến nay, nó đã có mặt ở 22 nước và chắc chắn sẽ còn lan tràn sang nhiều nước khác nữa, nhưng sự bùng phát của nó có gây ra đại dịch hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đang tích cực làm việc để xác định xem vi rút này có thể lây lan nhanh đến mức nào từ người sang người và ở giai đoạn nào thì mức độ lây lan nghiêm trọng nhất. 

Xác định R0

Khả năng phát tán của một mầm bệnh phụ thuộc vào mức độ nó lây từ vật chủ này sang vật chủ khác dễ dàng đến đâu. Các nhà khoa học ước tính mức độ lây lan của nó từ người sang người bằng hệ số sinh sản cơ bản R0.

R0 dự báo số người có thể nhiễm bệnh từ một người. Ví dụ: những căn bệnh như bại liệt, đậu mùa và quai bị có R0 từ 5 đến 7, nghĩa là trung bình mỗi người bệnh có thể lây cho 5 đến 7 người khác không có miễn dịch với vi rút gây bệnh. Bệnh sởi nằm trong số những bệnh dễ lây nhất trên hành tinh, R0 của vi rút sởi là 12 đến 18.

Trong trường hợp vi rút corona mới đang tăng lên rất nhanh, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nhanh chóng ước tính R0 của nó. Tuần trước, một số báo cáo đưa ra con số 2 đến 3, trong khi đó Tổ chức Y tế thế giới lại đưa ra kết quả thấp hơn, chỉ từ 1,4 đến 2,5. Có những cách tính khác lại cho kết quả trên 3,5. Nhưng tất cả những con số này thật ra có ý nghĩa gì?    

Trong trường hợp những bệnh có R0 dưới 1 thì thường sẽ biến mất trước khi lây lan ra cộng đồng bởi vì người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh hơn mầm bệnh lan truyền sang vật chủ mới. Bác sỹ Nancy Messonier – Giám đốc Trung tâm quốc gia về Miễn dịch và Bệnh hô hấp, thuộc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh của Mỹ - nói rằng “nhìn chung, chúng ta đều muốn R0 dưới 1, tức là khi đó căn bệnh nằm trong tầm kiểm soát”. R0 trên 1 cho thấy một căn bệnh sẽ còn lây lan, nhưng con số này không cho biết tốc độ lây lan nhanh đến đâu.

Một con số biến động

Hãy nhớ rằng R0 biểu thị số người trung bình có thể bị lây bệnh từ một người, con số đó có thể phản ánh vô vàn các kịch bản khác nhau. Một đợt nhiễm bệnh có thể nhẹ nhàng lướt qua một cộng đồng dân cư với mỗi người bệnh lây truyền cho cùng một số người, nhưng cũng có thể vọt lên bất ngờ với một số cá thể siêu lây nhiễm, truyền bệnh cho nhiều người cùng một lúc trong khi những cá thể bị bệnh khác lại hồi phục mà không hề lây cho ai.

Trong những ngày đầu của đợt bùng phát, các nhà khoa học không thể tìm ra các hình thái lây truyền bệnh một cách chi tiết, bởi vì khi đó mới có rất ít dữ liệu. Tình hình vi rút corona mới hiện nay cũng vậy. Bên cạnh đó, R0 cũng thay đổi ở từng địa phương, vì sự lan truyền bệnh phụ thuộc vào mức độ người dân trong khu vực giao tiếp với nhau và mức độ phổ biến của căn bệnh trong cộng đồng dân cư. Những con số ước tính hiện nay cho vi rút corona mới là dựa trên số liệu của riêng Vũ Hán, Trung Quốc.

Giá trị R0 còn phụ thuộc vào các đặc điểm của chính đợt dịch, trong đó có thời gian người bệnh có thể lây truyền bệnh, khả năng truyền bệnh của những người không có triệu chứng bệnh và thời gian sống sót của vi rút bên ngoài cơ thể người.

Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Mỹ (CDC), ông Robert Redfiled, cho biết các quan chức y tế Trung Quốc đã cung cấp thông tin về những trường hợp lây bệnh từ người không có triệu chứng bệnh, nhưng CDC chưa kiểm tra các số liệu này cũng như các kết luận đi kèm. Nhưng ngay cả khi người không có triệu chứng bệnh vẫn có thể lây truyền thì chỉ riêng những người này không thể biến đợt bùng phát trở thành đại dịch. Từ trước tới nay, trong các đợt bùng phát bệnh đường hô hấp, những người có triệu chứng bệnh lây truyền vi rút nhiều hơn nhiều so với những người không có triệu chứng bệnh.

Bùng phát toàn cầu

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục xác định R0 của vi rút corona mới khi có thêm dữ liệu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bất chấp kết quả thế nào thì vi rút này đã theo những chuyến bay quốc tế lan đến nhiều quốc gia.

Để ngăn chặn sự lây lan của nó, nhiều nước như Mỹ, Úc, Anh đang kiểm tra những người đến từ Trung Quốc và cách ly những người có nguy cơ nhiễm vi rút. Tuần qua, CDC cho biết họ sẽ mở rộng đối tượng kiểm tra ở 20 sân bay và các cán bộ y tế sẽ giám sát cả những người nhiễm bệnh và người thân của họ để phát hiện thêm các trường hợp và hiểu rõ hơn về tiến triển của căn bệnh.

Theo kênh khoa học National Geographic, với những người từ Trung Quốc trở về, nếu ngồi cạnh cửa sổ thì họ có ít nguy cơ lây vi rút từ người bệnh trên máy bay (nếu có) nhất vì họ ít tiếp xúc với người đi lại ở lối đi trên máy bay. Tuy vậy, những người ngồi cùng hàng với người bệnh lại có nguy cơ cao nhất. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thường không mang các chủng vi khuẩn lây nhiễm, nhất là các vi rút corona chỉ có thể sống trên các bề mặt trong một thời gian ngắn. Bà Messonier nói “không có bằng chứng của việc lây nhiễm vi rút từ hàng hóa nhập khẩu”.

Phạm Hường 

Tổng hợp