1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Virus corona mới dùng “dằm protein” để xâm nhập tế bào con người

(Dân trí) - Các chuyên gia Mỹ đã công bố cấu trúc của “dằm protein” của virus corona mới.

Cho dù các nhà nghiên cứu đã ráp được chuỗi gen của virus, Tổ chức Y tế thế giới vẫn cho rằng phải mất 18 tháng nữa mới có vắc xin. 

Tuy nhiên, biết được cấu trúc của protein dằm của virus giúp chúng ta có được thông tin rất quan trọng, đó là bằng cách nào virus xâm nhập được vào tế bào vật chủ. Đây có thể mà một mảnh ghép chủ chốt của trò chơi xếp hình để tìm ra được vắc xin phòng bệnh.

Protein dằm là gì?

Protein dằm giống như chiếc chìa khóa mở cánh cửa của lối đi tiến vào các tế bào của một vật chủ cụ thể, trong trường hợp này vật chủ chính là con người. Để biết cách xử lý được virus corona mới, đầu tiên chúng ta cần hiểu được chiếc chìa khóa đó trông như nào, và nó nhắm vào lỗ khóa nào trên tế bào con người. 

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jason McLellan của Trường đại học Texas ở Austin, Mỹ, làm trưởng nhóm, đã xác định được cấu trúc của protein dằm của virus corona mới bằng kỹ thuật kính hiển vi điện tử đông lạnh (Cryo-EM). Kỹ thuật này làm lạnh protein xuống -1500C để nó kết tinh và từ đó xác định cấu trúc của nó bằng phân giải cận nguyên tử.

Virus corona mới dùng “dằm protein” để xâm nhập tế bào con người - 1

Cấu trúc phân tử mới được phát hiện của protein dằm của virus corona mới mà virus dùng làm “chìa khóa” mở cửa xâm nhập vào tế bào con người.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được “lỗ khóa”, tức là thụ thể tế bào vật chủ: đó chính là một protein của người được gọi là enzym chuyển angiotensin 2 (ACE2). Đây cũng là thụ thể tế bào của người đã bị virus SARS tấn công trước đây.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra điều không may là virus corona mới bám chặt lấy ACE mạnh hơn SARS 10 đến 20 lần. Nói cách khác, “chìa khóa’ của virus corona mới “bám dính” hơn nhiều so với SARS, nó giống như “chìa khóa” SARS với chất keo siêu bám dính. Điều đó có nghĩa là một khi nó đã lọt vào ổ khóa thì khó có thể gỡ được và do đó nó có khả năng xâm nhập hiệu quả hơn vào tế bào của chúng ta.

Vắc xin thì sao?

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng vì cả 2 virus nói trên đều tấn công cùng 1 protein trong tế bào của người nên có thể tìm hiểu xem kháng thể đã chống lại được virus SARS có thể chống được virus corona mới hay không. Thật không may là các thử nghiệm đã được tiến hành nhưng không mang lại kết quả khả quan.

Như vậy có nghĩa là chúng ta vẫn phải chờ một giải pháp mạnh mẽ hơn cho vấn đề này. Có lẽ đây là một gương phản chiếu “cuộc chạy đua vũ trang” vẫn đang tiếp diễn giữa người và các loại virus. Hiện nay chúng ta có nhiều vũ khí mạnh hơn nhờ có các tiến bộ khoa học, nhưng kẻ thù của chúng ta cũng đang mạnh dần lên, mà hiện tại là nó đang dùng “chất keo siêu dính” để chống lại chúng ta.

Trên khắp thế giới cũng đang sôi động cuộc thi tìm kiếm vắc xin tốt nhất phòng virus mới này, nhưng vẫn như câu thành ngữ “nước xa không cứu được lửa gần”. Nhanh nhất cũng phải mất vài tháng nữa mới có những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để thí nghiệm vắc xin phù hợp, thậm chí có khi mất cả 1 năm nữa sau khi tìm ra được vắc xin để thử nghiệm, và biết đâu đến lúc đó cơn bùng phát virus mới này đã được khống chế xong rồi. 

Vì thế, việc tìm ra cấu trúc protein dằm của virus corona mới vừa là tin tốt vừa là tin xấu. Tin tốt là giờ đây chúng ta biết được trông nó như thế nào và sẽ dễ dàng hơn để tìm ra vũ khí phù hợp nhất chống lại virus. Tin xấu là kẻ thù mạnh hơn chúng ta tưởng rất nhiều và kho đạn dược hiện có của chúng ta không có gì hiệu quả để chống lại nó.

Phạm Hường 

Theo The Conversation