1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Virus corona đột biến nhanh cỡ nào?

(Dân trí) - Giống như tất cả các virus khác, virus corona mới cũng đột biến, tức là trải qua những biến đổi nhỏ trong bộ gen.

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 3/3 cho biết virus corona mới đã đột biến thành một chủng yếu hơn và một chủng mạnh hơn, nhưng các chuyên gia vẫn chưa tin như vậy.

Virus corona đột biến nhanh cỡ nào? - 1

Hình ảnh nhìn qua kính hiển vi điện tử TEM cho thấy virus corona mới trên bề mặt tế bào người.

Trong nghiên cứu đó, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phân tích bộ gen của các virus corona lấy từ 103 bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những khác biệt trong các bộ gen này, và theo họ là có thể phân loại thành hai chủng: L và S.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chủng L, chủng này được cho là ác tính hơn và chiếm 70% số mẫu xét nghiệm. Họ cũng thấy rằng từ tháng 1 trở đi, mức độ phổ biến của chủng  này giảm dần. Thay vào đó, chủng S hiện giờ đang nhiều hơn, bởi vì sự can thiệp của con người như là biện pháp cách ly chẳng hạn, đã giảm khả năng lây lan của chủng L. 

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Nathan Grubaugh của Trường đại học Y tế cộng đồng Yale, Mỹ, cho rằng các kết luận của nghiên cứu này “hoàn toàn là suy đoán”. Theo ông, những đột biến mà các tác giả đề cập đến là vô cùng nhỏ, chỉ trên trình tự của một đôi nucleotide, là những khối tạo dựng cơ bản của gene, trong khi gene của virus corona mới dài 30.000 nucleotide.

Những biến đổi rất nhỏ này gần như không có ảnh hưởng gì, nếu như có ảnh hưởng đi nữa, đối với hoạt động của virus. Vì thế nói rằng những khác biệt này có nghĩa là có các chủng khác nhau là không chính xác. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu chỉ xem xét có 103 trường hợp. Số lượng mẫu này quá ít trong tổng số virus đã xuất hiện. Tìm ra các đột biến của một virus lây lan toàn cầu phải mất rất nhiều công sức và đôi khi kéo dài nhiều năm mới thực hiện được.

Các nhà khoa học khác cũng đồng ý như vậy. Nhà sinh vật học và vật lý học Richard Neher của Trường đại học Basel, Thụy Sĩ,  đánh giá phát hiện của nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho rằng virus corona đột biến thành 2 chủng, trong đó chủng L gây bệnh nặng hơn, gần như chỉ là một sự kiện do con người nghĩ ra sau khi thống kê dữ liệu. Kết quả thống kê này có thể là do việc thu thập mẫu sớm mang chủng L ở Vũ Hán, dẫn đến tỉ lệ tử vong “đương nhiên cao hơn” ở chủng này.

Khi có sự bùng phát tăng nhanh ở một địa phương, các nhà khoa học nhanh chóng lấy mẫu bộ gen của virus từ người bệnh, dẫn đến sự hiện diện vượt trội của một số biến thể của virus. Các tác giả Trung Quốc của nghiên cứu nói trên công nhận rằng dữ liệu nghiên cứu của họ “vẫn còn rất giới hạn” và họ cần theo dõi tiếp đối với các bộ dữ liệu lớn hơn để hiểu rõ hơn cách tiến hóa của virus này. 

Chúng ta không nên lo lắng

Nhà dịch tế học Grubaugh biết rằng những nghiên cứu như vậy sẽ được tiến hành trong đợt bùng phát này, vì thế ông đã viết một bài bình luận trên tạp chí Vi sinh học Tự nhiên, vào ngày 18/2 với nhan đề “Chúng ta không nên lo lắng khi một virus đột biến trong những đợt bùng phát gây bệnh”.

Ông viết rằng từ “đột biến” thường gây ra nỗi sợ hãi về những biến đổi bất ngờ và đáng sợ. Trên thực tế, đột biến là một phần tự nhiên trong vòng đời của virus và hiếm khi ảnh hưởng lớn đến đợt bùng phát. Các virus RNA, tức là những virus có RNA chứ không phải DNA trong vật liệu di truyền, kể cả virus corona mới, liên tục đột biến và không có các cơ chế để chữa các “lỗi” này như ở tế bào của người.

Nhưng hầu hết các đột biến này lại ảnh hưởng tiêu cực cho chính virus. Nếu đột biến không có lợi cho virus thì sẽ bị loại bỏ thông qua chọn lọc tự nhiên, một cơ chế tiến hóa trong đó các sinh vật thích ứng tốt hơn với môi trường mới có thể sống được. Các đột biến khác tồn tại được và kết hợp vào bộ gen “trung bình” của virus.

Thông thường, các gen sao chép quy định đặc tính cho các chủng như là độ ác tính hay khả năng lây sang người khác. Vì thế, để một virus trở nên ác tính hơn hay dễ lây hơn thì các gen sao chép phải đột biến. Cho dù các virus thường có tốc độ đột biến cao, nhưng ít khi có virus biến đổi phương thức lây lan từ người sang người trong thời gian ngắn.

Như vậy, tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với việc phát triển được vắc xin phòng bệnh? 

Nhà dịch tễ học Grubaugh cho rằng những virus này vẫn còn rất tương đồng về mặt di truyền đến mức đột biến của chúng như đã ghi nhận không cần điều chỉnh vắc xin đang nghiên cứu. Các nhà khoa học phát triển vắc xin không cần lo ngại về điều này. Tuy nhiên, một khi đã có vắc xin thì virus có thể thích ứng với vắc xin đó và phát triển khả năng chống cự, nhưng xem xét các virus RNA khác (như virus sởi, quai bị và sốt vàng da) không hề phát triển khả năng chống lại vắc xin thì kịch bản này khó có thể xảy ra với virus corona mới.

Trên thực tế, những đột biến này giúp các nhà khoa học theo dõi được các bước di của virus.

Ví dụ như một nhóm các nhà nghiên cứu người Brazil mới đây đã phân tách được virus corona mới từ hai bệnh nhân Covid-19 và giải trình tự bộ gene hoàn chỉnh của cả hai mẫu. Họ phát hiện ra rằng hai bộ gen này không chỉ khác nhau mà chúng còn rất khác các bộ gen của các mẫu virus ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Virus corona lấy từ một bệnh nhân ở Brazil có bộ gene giống bộ gen của virus được giải trình tự ở Đức, và virus lấy từ một người bệnh thứ hai giống với virus của người bệnh ở Anh. Điều đó có nghĩa là hai bệnh nhân này có liên quan đến các ca ở châu Âu nhưng lại không liên quan đến nhau.

Phạm Hường 

Theo Live Science