1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Video ghi lại vật thể lạ bốc cháy trên bầu trời ngày 5/9

Minh Khôi

(Dân trí) - Thiên thạch sở hữu vận tốc lên tới 20,8km/giây khi lao xuống vùng biển của Philippines, tạo ra ánh sáng chói lòa.

Video ghi lại vật thể lạ bốc cháy trên bầu trời ngày 5/9 (Nguồn: AMS).

Một thiên thạch nhỏ có đường kính khoảng 1 mét đã bốc cháy trên đảo Luzon ở Philippines rạng sáng ngày 5/9 (theo giờ địa phương).

Nhiều người đã có mặt để chứng kiến, quay phim và chụp ảnh hiện tượng thiên văn này. Đó là bởi trước khi vật thể có tên gọi tiểu hành tinh 2024 RW1 lao xuống Trái Đất, chúng ta đã có thể xác định được thời gian và địa điểm va chạm xảy ra.

Theo Hiệp hội Thiên thạch Hoa Kỳ (AMS), vật thể này được phát hiện khoảng 11 tiếng trước khi va chạm bởi quan sát viên người Mỹ Jacqueline Fazekas.

Đây là một trong số 9 tiểu hành tinh được dự đoán sẽ lọt qua bầu khí quyển của Trái Đất trong thời gian trước đó. Nhưng điều khiến 2024 RW1 đặc biệt nổi bật là ánh sáng chói lòa khi lao nhanh xuống Trái Đất.

Video ghi lại vật thể lạ bốc cháy trên bầu trời ngày 5/9 - 1

Thiên thạch bốc cháy, phát ra ánh sáng chói lòa khi lao nhanh xuống Trái Đất (Ảnh trích từ clip).

Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ điều này xảy ra là bởi 2024 RW1 sở hữu tốc độ cực nhanh, với vận tốc lên tới 20,8 km/giây khi lao xuống vùng biển của Philippines.

Trong thập kỷ qua, các phương pháp tiếp cận nhằm bảo vệ hành tinh của chúng ta đã có những bước tiến đáng kể.

Cụ thể, dữ liệu từ các quan sát bằng kính thiên văn có thể được gửi nhanh đến các thuật toán nhằm dự đoán xác suất va chạm, như trong tổng số 9 trường hợp phát hiện tiểu hành tinh mà chúng ta đã gặp phải.

May mắn thay, tất cả các sự kiện này đều là những tảng đá nhỏ, và hầu như không gây hại tới bề mặt hành tinh.