Vì sao vụ phóng tên lửa Starship thất bại và hậu quả khủng khiếp của nó
(Dân trí) - Buổi phóng tên lửa Starship của SpaceX đang đối mặt nhiều ý kiến trái chiều, với những ý kiến cho rằng nó đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường sống xung quanh.
SpaceX vừa phóng thất bại tên lửa Starship trong một chương trình thử nghiệm được thực hiện hôm 20/4 vừa qua. Trong lần phóng này, tên lửa Starship được trang bị tới 33 động cơ đẩy Raptor mạnh mẽ, và kích hoạt khoảng hơn 20 động cơ trong giai đoạn rời bệ phóng.
Lực đẩy khủng khiếp từ tên lửa thậm chí làm vỡ tan bệ phóng được xây dựng kiên cố của SpaceX, đồng thời để lại một miệng hố lớn và những cơn mưa đất đá cho một thị trấn cách đó khoảng 10 km.
Tên lửa Starship quá mạnh và đây chính là vấn đề
Sau khi buổi phóng được thực hiện, CEO Elon Musk của SpaceX thừa nhận ông và các chuyên gia trong công ty đã quá lạc quan về khả năng thành công của sứ mệnh.
Tên lửa Starship hiện là tên lửa lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Nó cao 120 mét và lực đẩy khi phóng ước tính đạt 7,5 triệu tấn.
Với những đặc tính này Starship có thể mang trọng tải gấp 10 lần tên lửa Falcon 9 và được thiết kế để vận chuyển các thành viên phi hành đoàn, tàu vũ trụ, vệ tinh và hàng hóa đến các địa điểm trong Hệ Mặt Trời.
NASA cũng đã chọn Starship của SpaceX là một trong ba tàu vũ trụ thương mại, sẽ đưa phi hành gia đến mặt Trăng vào năm 2024.
Tuy nhiên, tên lửa Starship vẫn tồn tại nhiều nhược điểm, và một trong số đó là mức năng lượng quá lớn do tên lửa phát ra trong quá trình cất cánh.
Được biết, lực đẩy từ tên lửa thậm chí có thể đã làm tan chảy bệ phóng, và khiến một trong các động cơ bị hỏng trước khi tên lửa kịp rời khỏi mặt đất.
Các bức ảnh ghi lại hiện trường sau vụ phóng cũng cho thấy các vết lõm tại các thùng chứa nhiên liệu đặt cách bệ phóng không xa.
"Những mảnh bê tông bắn ra có nguy cơ va vào các thùng chứa nhiên liệu nằm cạnh bệ phóng", Dave Cortez, đại diện của một nhóm vận động môi trường, cho biết.
Ông cũng cho rằng người dân ở Port Isabel - một thị trấn nhỏ gần nơi SpaceX tổ chức phóng tên lửa, đã ghi nhận nhiều cửa sổ tại các cơ sở kinh doanh của họ bị vỡ tan, rung lắc dữ dội... Cùng với đó là bụi và các hạt vật chất bao phủ kín nhà cửa, trường học và khu vực sống xung quanh.
Trong một bài tweet được đăng trên trang cá nhân, Elon Musk giải thích rằng vụ nổ khủng khiếp khi tên lửa cất cánh xảy ra do bệ phóng thực tế của tên lửa Starship vẫn chưa hoàn thiện.
Không giống như các địa điểm phóng tên lửa lớn khác, bãi phóng Boca Chica của SpaceX thiếu cả hệ thống xả lũ, hệ thống phun nước nhằm tạo ra các tấm đệm nước hoặc bọt để triệt tiêu sóng xung kích và rãnh lửa để dẫn khí thải đang cháy ra ngoài một cách an toàn.
Để hạn chế điều này, các kỹ sư ở SpaceX có kế hoạch chế tạo một tấm thép đi kèm hệ thống tản nhiệt nước và nó ở đặt dưới bệ phóng từ khoảng 3 tháng trước.
Tuy nhiên, do tiến độ buổi phóng được gấp rút triển khai, nên hệ thống đã không kịp xuất hiện trong buổi phóng thử lần này.
Dù kết quả là gì, SpaceX vẫn vấp phải nhiều cáo buộc sau buổi phóng tên lửa gây tranh cãi của mình. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã vào cuộc, và tạm thời đình chỉ các hoạt động liên quan của SpaceX cho tới khi kết thúc cuộc điều tra.
Những ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường
Jared Margolis, một luật sư cấp cao của Trung tâm Đa dạng sinh học, lưu ý rằng các hạt vật chất sinh ra sau lần phóng thử tên lửa Starship có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu chạm hoặc hít phải.
Cùng với đó là sóng xung kích dữ dội phát ra sau vụ nổ, khiến những người xung quanh có cảm giác như họ "bị đấm liên tục" vào cơ thể.
Eric Roesch, một kỹ sư môi trường, khẳng định khí thải dạng hạt có liên quan đến các vấn đề về phổi và hô hấp, đồng thời được Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) coi là chất gây ô nhiễm mức độ ưu tiên cao.
Roesch cáo buộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và SpaceX đã không đủ cẩn trọng trong việc phân tích môi trường, để rồi thoải mái tiến hành một buổi phóng tên lửa với cường độ lớn như vậy.
Trong khi đó, Margolis bày tỏ sự quan ngại về tác động của buổi phóng với các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại khu vực như chim, rùa biển.
"Chúng tôi không phản đối việc thám hiểm không gian. Nhưng trong khi ta hướng tới các vì sao, ta không nên đánh đổi bằng tác động tiêu cực tới cộng đồng, môi trường sống và quần thể động vật hoang dã", Margolis cho biết.
Về Starship, đây được xem là tên lửa vũ trụ mạnh nhất thế giới tại thời điểm hiện nay, với lực đẩy khi phóng gấp khoảng 2,5 lần so với tên lửa Saturn V biểu tượng của NASA.
Phương tiện bay khổng lồ hạng siêu nặng này được cấu tạo từ tầng trên tên lửa Super Heavy và tàu vũ trụ Starship, là dự án đang phát triển của SpaceX nhằm đưa con người và hàng hóa lên Mặt Trăng, rồi tiếp đến là Sao Hỏa.
Mặc dù hiện nay, tàu Starship được cho là đã đủ mạnh để tự phóng từ Mặt Trăng và Sao Hỏa, nhưng vẫn cần tên lửa đẩy chuyên dụng Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất.
Tàu Starship cũng được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn và nhanh chóng. Đây là điều được Elon Musk coi như bước đột phá quan trọng, và cần thiết để biến việc "thuộc địa hóa Sao Hỏa" và các kế hoạch thăm dò đầy tham vọng khác trở nên khả thi.