Vì sao rừng Amazon lại quan trọng?

(Dân trí) - Rừng mưa Amazon là rừng nhiệt đới ẩm ướt lớn nhất thế giới, chính vì thế nó có ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, rừng có hệ sinh vật đa dạng không nơi nào trên thế giới có được, các loài cây và động vật lớn nhỏ đều sinh sống rất đông đúc ở đây, trong số đó có cả những loài mà các nhà khoa học vẫn chưa biết đến.

Rừng có diện tích hơn 2 triệu km2, ở Nam Mỹ, chủ yếu là ở Brazil, phần còn lại thuộc Peru, Colombia và 6 quốc gia khác. Rừng Amazon được gọi là rừng mưa do điều kiện thời tiết mưa nhiều đặc trưng của nó.

Vì sao rừng Amazon lại quan trọng? - 1

Khói cuộn lên từ một đám cháy ở rừng Amazon gần Candeias do Jamari, Brazil, vào ngày 24/8/2019. (nguồn: Victor Moriyama / Greenpeace / via AFP - Getty Imag)

Nhưng mặc dù đã tồn tại suốt 50 triệu năm, rừng mưa Amazon ngày nay đang bị các hoạt động của con người đe dọa, trong đó có các vụ đốt rừng lấy đất trồng trọt và chăn nuôi, khai thác dầu, khí, đồng, sắt và vàng.

Rừng Amazon đóng góp hàng năm 8,2 triệu đô-la Mỹ cho kinh tế Brazil bằng các sản phẩm khai thác từ rừng, trong đó có cao su và gỗ.

Nhiều tháng qua, rừng Amazon bị tàn phá bởi hàng nghìn vụ cháy với tổng diện tích cháy lên đến hơn 7.400 km2 thuộc địa phận Brazil. Do đâu mà thời gian gần đây xảy ra quá nhiều vụ cháy rừng ở đây như vậy?

Hàng năm rừng Amazon vẫn có những vụ cháy tự nhiên bùng phát vào mùa khô từ tháng 9 đến tháng 10. Nhưng bên cạnh đó, các bức ảnh từ vệ tinh còn cho thấy nhiều vụ cháy rừng thuộc địa phận Brazil là do con người cố tình đốt để lấy đất.

Theo ông Douglas Morton, nhà sinh thái học làm việc cho Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, thì điều này hoàn toàn mới xảy ra trong những năm gần đây.

Những nguy cơ nào xảy ra khi rừng bị tàn phá?

Các nhà khoa học lo ngại rừng Amazon bị tàn phá có thể dẫn đến điểm bùng phát của việc toàn bộ hệ sinh thái bị hủy hoại, khi đó các nền kinh tế trong khu vực sẽ bị què quặt, nhiều loài sinh vật bản địa sẽ tuyệt chủng.

Rừng mưa nhiệt đới Amazon đem mưa đến cho toàn vùng Nam Mỹ, do đó nếu rừng bị phá hoại thì phần lớn lục địa này sẽ bị nóng lên và khô hạn. Khí hậu khô sẽ phá hoại mùa màng ở vùng cực Nam của lục địa; nhiều nơi khác sẽ biến thành những vùng đất không thể sinh sống được. Rừng Amazon suy thoái còn có thể tác động đến khí hậu toàn cầu, mặc dù các nhà khoa học chưa khẳng định được mức độ ảnh hưởng này đến đâu. Ít nhất thì các hình thái mưa ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi chắc chắn sẽ thay đổi.

Mặc dù có một số bài báo viết ngược lại, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng việc mất rừng Amazon sẽ không hạn chế các nguồn ô-xi đến mức nguy hiểm. Ô-xi do thực vật trong rừng tạo ra phần lớn được động vật sinh sống ở đó hấp thụ, còn hầu hết ô-xi trong khí quyển Trái Đất do các sinh vật phù du dưới biển sinh ra từ hàng triệu năm trước.

Đặc điểm sinh thái của rừng mưa Amazon

Rừng mưa Amazon tích trữ một lượng khổng lồ carbon trong đất và thảm thực vật của nó. Nếu rừng bị đốt, toàn bộ lượng carbon này sẽ bị phát thải vào khí quyển. Khi đó, nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua cắt giảm phát thải CO2 từ khí thải phương tiện giao thông và các quá trình công nghiệp sẽ chẳng còn ý nghĩa gì - nhà sinh thái học Yadvinder Malhi của Trường đại học Oxford, Anh, nhận định.

Do các loài thực vật và động vật sống ở đây vô cùng phong phú cho nên giá trị sinh học và sinh thái học của rừng Amazon lớn đến mức không thể đo đếm hết được. Nơi đây là nhà của khoảng 390 tỷ cây xanh và hơn 16.000 loài thực vật cùng hàng triệu loại động vật.

Nhà sinh thái học Yadvinder Malhi nói rằng “đây là nơi giàu có nhất trên hành tinh của chúng ta, từ hàng tỷ năm tiến hóa của sự sống trước khi con người xuất hiện. Đây là một trong những thư viện vĩ đại của tự nhiên trên Trái Đất”.

Trong số những loài động vật sống trong rừng Amazon, có một số loài chim cực kì quý hiếm và vô cùng sặc sỡ; hàng trăm loài khỉ; nhiều loài mèo to lớn như là báo đốm, báo đen; và những loài kì lạ như là lợn vòi và chuột lang nước. Đây còn là nơi sinh sống của các loài cá sấu, kì đà, rắn khổng lồ như là trăn Nam Mỹ, các loài động vật lưỡng cư như ếch phi tiêu độc, cá heo sông và một số loài cá đặc biệt khác như cá hải tượng long và cá răng đao.

Tất cả những loài này và hàng nghìn loài sinh vật khác có thể bị mất đi nếu rừng mưa Amazon bị tàn phá.

Phạm Hường 

Theo Nbcnews