Vì sao cà rốt lại có màu cam?

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa mới tìm ra loại gen trong cà rốt giúp tạo ra carotenoid – một nguồn vitamin A quan trọng và giúp tạo ra màu sắc cam, đỏ ở một số loại trái cây, rau quả.

Loại gen có tên DCAR_032551 vừa được giải mã hoàn chỉnh trong bộ gen của cà rốt mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics.Nghiên cứu mới này chỉ ra “Thiếu Vitamin A đang là môt thách thức với y tế toàn cầu, và carotenoid là nguồn sản sinh ra vitamin A quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người”.

Ảnh: File Fred Tanneau
Ảnh: File Fred Tanneau

Bên trong cà rốt có chứa rất nhiều beta-carotene, một chất hóa học tự nhiên sẽ được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A – loại vitamin thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động bình thường và thị giác tốt. Màu cam càng đậm, hàm lượng beta- carotene càng nhiều. Carotenoid cũng là chất chống oxy hóa, được cho là để bảo vệ chống lại bệnh tim và một số dạng ung thư bằng cách trung hòa các "gốc tự do” có thể gây tổn hại tế bào.

Điều thú vị là cà rốt và nhiều loại cây trồng khác có số lượng gen nhiều hơn con người đến 20%. Việc khám phá ra bí mật di truyền của cà rốt giúp tăng khả năng kháng bệnh và giá trị dinh dưỡng của loại củ này. Sau khi xác định được cơ chế tích tụ carotenoid, các nhà khoa học có thể giúp tạo ra gen chỉnh sửa và nhân rộng giống cây trồng có giá trị dinh dưỡng này.

Giang TH