1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy ở băng Nam Cực

(Dân trí) - Lần đầu tiên, vi nhựa đã được tìm thấy ở vùng biển Nam Cực. Mặc dù mức độ tương đối thấp nhưng điều đó cho thấy ngay cả lục địa xa xôi nhất Trái đất cũng không tránh khỏi những nguy cơ ô nhiễm nhựa.

Vi nhựa lần đầu tiên được tìm thấy ở băng Nam Cực - 1

Báo cáo phát hiện trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu biển và Nam cực thuộc Đại học Tasmania ở Úc đã xem xét kỹ lưỡng một lõi băng được thu thập ở Đông Nam Cực vào năm 2009. Hình ảnh quang phổ điện tử của băng biển tan chảy cho thấy nó chứa 96 hạt vi nhựa, khoảng 12 hạt/ lít từ 14 loại polymer khác nhau.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là lần đầu tiên vi nhựa được ghi nhận trong các mẫu băng trên biển ở Nam Cực. Mặc dù trước đó, vi nhựa đã được tìm thấy trong băng biển ở Bắc Cực tương đối nhiều ở Bắc bán cầu.

Trở lại năm 2018, các nhà nghiên cứu Na Uy cũng đã phát hiện ra rằng mọi nơi họ tìm thấy ở Bắc Cực, dù địa điểm đó có xa xôi đến đâu đều cho thấy có dấu vết của nhựa, với một số khu vực nhất định thậm chí có chứa sự ô nhiễm nhựa đáng kể. Nồng độ của vi nhựa được tìm thấy gần đây ở Nam Cực thấp hơn một chút so với trước đây ở Bắc Cực, nhưng nó vẫn rất đáng ngại.

Những thứ này đến từ đâu? 75% được xác định là các polymer được sử dụng trong các ngành hàng hải cho thấy chúng có khả năng rơi ra từ lưới nhựa và thiết bị đánh cá ở Nam Đại Dương. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các hạt vi nhựa tương đối lớn.

“Vi nhựa trong lõi băng của chúng tôi tìm thấy lớn hơn các hạt ở Bắc Cực, có thể chỉ ra các nguồn ô nhiễm cục bộ vì nhựa có ít thời gian phân hủy thành các sợi nhỏ hơn so với khi vận chuyển khoảng cách xa trên dòng hải lưu”, nhà nghiên cứu Anna Kelly giải thích.

Các nguồn từ địa phương có thể bao gồm quần áo và thiết bị được sử dụng bởi khách du lịch và các nhà nghiên cứu, trong khi thực tế các nhà nghiên cứu cũng xác định nhựa thường được sử dụng trong ngành đánh bắt cá.

Những nhà khoa học biết tương đối ít về tác dụng sinh học lâu dài của vi nhựa đối với cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các vi hạt lớn hơn có thể là mối nguy hiểm khi động vật nuốt phải và ngày càng rõ ràng rằng nhựa có thể gây nguy hiểm cho cả động vật biển và con người vì chúng có thể chứa các hóa chất độc hại như Phthalates là loại hóa chất công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong ngành nhựa để tạo ra tính mềm dẻo và độ bền chắc cho sản phẩm và Bisphenol-A có thể gây rối loạn hệ nội tiết, gây xáo trộn sự chuyển hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh sản và tăng trưởng, đến nhiễm sắc thể và não, làm rối loạn chức năng thần kinh, gây ung thư, dẫn đến các bệnh về tim mạch, dậy thì sớm, béo phì... 

Trang Phạm

Theo IFL Science