Vén màn bí ẩn "lời nguyền xác ướp" bên trong các lăng mộ cổ

Minh Khôi

(Dân trí) - Xác ướp bị thối rữa đã trở thành những "quả bom sinh học", khiến bất kỳ ai cũng đối mặt nguy hiểm nếu họ muốn tiến vào bên trong.

Vén màn bí ẩn lời nguyền xác ướp bên trong các lăng mộ cổ - 1

Các nhà khảo cổ đang kiểm tra cỗ quan tài của pharaoh Tutankhamun (Ảnh: History).

"Lời nguyền của xác ướp" từ lâu đã trở thành câu chuyện thần thoại phổ biến đến mức có hàng loạt tác phẩm điện ảnh, văn học... mô tả chi tiết cách xác sống muốn làm hại con người từ bên trong các lăng mộ.

Vào năm 1929, câu chuyện về 22 nhà khảo cổ lần lượt qua đời một cách bí ẩn sau khi khai quật lăng mộ pharaoh Tutankhamun càng khiến người ta tin vào sự tồn tại của lời nguyền xác ướp.

Sau đó ít lâu, vào những năm 1970, các bí ẩn xoay quanh lăng mộ của Đại công tước Litva và vua Ba Lan Casimir IV Jagiellon một lần nữa thách thức giới khoa học trước những sự việc nằm ngoài khả năng nhận biết của con người.

Vén màn bí ẩn lời nguyền xác ướp bên trong các lăng mộ cổ - 2

Lời nguyền của xác ướp có thể không có thật, nhưng mối đe dọa từ bào tử nấm là có thật (Ảnh: Wikimedia Commons).

Chuyện kể rằng Giáo hoàng John Paul II lúc bấy giờ đã cho phép một nhóm gồm 12 nhà nghiên cứu kiểm tra hài cốt của vua Casimir, dẫu điều này từng bị cấm trước đây.

Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Guy's King và St. Thomas, trong số 12 nhà khoa học có mặt khi lăng mộ được mở ra, có tới 10 người đã chết chỉ trong vòng vài tuần sau đó.

Bên trong cơ thể của họ, theo những báo cáo y khoa, xuất hiện nhiều bào tử nấm được nuôi cấy từ bên trong lăng mộ.

Các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện thấy mức độ nấm mốc rất cao trong không khí tại khu vực chính của lăng mộ. Được biết, nơi đây có nhiệt độ và độ ẩm vô cùng thích hợp cho sự phát triển của tế bào nấm.

"Nấm mốc phát triển dày đặc trong không khí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của những người khai quật bên trong lăng mộ", nhóm nghiên cứu kết luận.

Vén màn bí ẩn lời nguyền xác ướp bên trong các lăng mộ cổ - 3

Xác ướp bị thối rữa đã trở thành một quả bom sinh học tại các lăng mộ (Ảnh: Getty).

Trên thực tế, bằng chứng về sự tồn tại của nấm mốc trong những không gian như vậy đã được ghi nhận sớm nhất từ năm 1962.

Lúc đó, Ezzedin Taha - một nhà sinh vật học từ Đại học Cairo, đã tìm thấy bằng chứng về chất độc từ nấm trong các ngôi mộ cổ. Chúng đa phần bắt nguồn từ các mô tế bào được bảo quản cẩn thận bên trong xác ướp, nhưng dần trở nên thối rữa theo thời gian.

Báo cáo cho rằng trong trường hợp bào tử nấm xâm nhập vào phổi người, chúng sẽ gây sốt cao, nhiễm trùng và viêm đường hô hấp. Họ gọi sự việc này giống như một "quả bom sinh học", và có thể trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ ai muốn khám phá các lăng mộ cổ.

"Xác ướp bị thối rữa đã trở thành một quả bom sinh học", nghiên cứu kết luận. "Điều này biến lăng mộ trở thành một nơi nguy hiểm cho người sống, và đây chính xác là điều đã xảy ra với các nhóm khảo cổ xấu số vì họ không được trang bị đầy đủ".