1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện dấu tích nghi lễ rùng rợn chặt tay của người Ai Cập cổ đại

Phạm Hường

(Dân trí) - Hàng chục bàn tay đứt rời được tìm thấy trong một hố chôn ở một cung điện Ai Cập cổ đại, có thể là dấu tích của một nghi lễ "phô bày chiến thắng" của những kẻ xâm lược ngoại bang.

Phát hiện dấu tích nghi lễ rùng rợn chặt tay của người Ai Cập cổ đại - 1

Một bàn tay phải trong một hố chôn, lòng bàn tay úp xuống đất với các ngón xòe rộng. (Ảnh: Gresky, Báo cáo khoa học).

Chữ khắc và phù điêu trên các ngôi mộ và đền thờ ở Ai Cập mô tả bàn tay bị chặt ngay từ thời Tân Vương quốc, vào khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XI trước Công nguyên, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học tìm thấy và tiến hành phân tích những bàn tay thực sự bị chặt đứt như vậy.

Theo báo cáo nghiên cứu, những bàn tay này là của ít nhất 7 người đàn ông và có thể 1 người phụ nữ. Điều này cho thấy không phải thời xa xưa thì phụ nữ không liên quan đến chiến tranh.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích những bàn tay phải được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2011 trong ba hố chôn riêng biệt trong sân của cung điện Hyksos ở Avaris/Tell el-Dab'a ở Đông Bắc Ai Cập.

Cung điện này có niên đại từ Vương triều thứ 15 (1640-1530 trước Công nguyên), khi các vị vua Hyksos cai trị các vùng từ Hạ và Trung Ai Cập đến tận thành phố Cusae, ngày nay là thành phố El Quseyya.

Người Hyksos được cho là những kẻ xâm lược Ai Cập cổ đại và các vị vua Hyksos là những người nước ngoài đầu tiên cai trị Ai Cập cổ đại, mặc dù gần đây có một số bằng chứng đang nghi ngờ nhận định này.

Theo nhóm các nhà nghiên cứu người Đức và Áo, những bàn tay bị đứt lìa này là của ít nhất 12 người trưởng thành, còn lại những ngón và bàn tay không đầy đủ cho thấy có thể có đến 18 người đã bị chặt tay.

Phát hiện dấu tích nghi lễ rùng rợn chặt tay của người Ai Cập cổ đại - 2

11 bàn tay phải được tìm thấy trong hai hố chôn. (Ảnh: Gresky, Báo cáo khoa học).

Mặc dù không có gì lạ khi các bộ phận của cơ thể phân hủy và bị trôi ra xa khỏi nhau theo thời gian, do lũ lụt, thối rữa, thời tiết, xói mòn... nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng những bàn tay đứt lìa này có thể đã được cố ý gom lại cùng một chỗ. Chúng được đặt xuống đất ở tư thế các ngón tay xòe rộng, lòng bàn tay úp xuống đất.

Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một bộ gồm 8 xương cổ tay còn nguyên vẹn ở 6 trong số 12 bàn tay được phát hiện, nhưng không có mảnh xương cánh tay nào. Nhóm nghiên cứu cho rằng các bàn tay đã bị cắt đứt có chủ ý và thể hiện mức độ tàn bạo, không quan tâm đến mạng sống của nạn nhân.

"Phương pháp này nhanh và dễ, nhưng nó để lại một phần của cẳng tay đi cùng với bàn tay. Nếu đúng là các nạn nhân đã bị hành hình như vậy thì những người tiến hành việc này hoặc những người chủ tế đã cố tình bố trí các bàn tay ở tư thế như vậy." - báo cáo viết.

Các bàn tay này được chôn ngay sau khi đứt rời khỏi cơ thể, trước khi chúng bị chết cứng. Tình trạng cứng xác bắt đầu vài giờ sau khi chết và đỉnh điểm là sau 12 đến 24 giờ, tùy vào các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, tuổi và tình trạng thể chất của người chết, nhưng những bàn tay này được tìm thấy ở tư thế cho thấy chúng còn mềm khi bị đem chôn.

Theo các nhà nghiên cứu, việc cắt cụt tay được người Hyksos thực hiện ở Ai Cập cổ đại từ khoảng 50 đến 80 năm trước khi nó được ghi lại bằng những chữ tượng hình trong lăng mộ. Người Ai Cập cổ đại tiếp thu phong tục này muộn nhất là vào triều đại của vua Ahmose, điều này được thể hiện trên một phù điêu khắc một đống bàn tay ở ngôi đền của ông ở Abydos.

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà báo cáo này muốn trả lời là hành động chặt tay này là một hình thức trừng phạt hay ghi dấu chiến tích của kẻ chiến thắng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng địa điểm, cách thực hiện và có lẽ cả tư thế của những bàn tay bị chặt không ủng hộ cho giả thuyết rằng đây là sự trừng phạt của pháp luật do phạm tội.

Thay vào đó, các hố chôn được đặt ở tiền sảnh lớn của cung điện, phía trước gian đặt ngai vàng. Rất có thể vị trí nổi bật này khiến công chúng dễ nhìn nhất, và nó minh chứng cho tập tục phô bày chiến thắng rất được ưa chuộng vào thời đó.