Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ phóng vào cuối năm 2024

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Việc phóng vệ tinh radar đầu tiên là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt.

Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ phóng vào cuối năm 2024 - 1

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1 (Ảnh: NEC).

Theo thông tin được công bố ngày 19/1, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết LOTUSat-1 - vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam - dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo trong khoảng thời gian cuối năm 2024, đầu năm 2025.

"Đây là dự án được khởi động từ năm 2021. Dự kiến, vệ tinh sẽ được phóng trong khoảng tháng 12/2024 đến tháng 2/2025", TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc VNSC, cho biết.

Vệ tinh LOTUSat-1, có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh Trái Đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm.

Vệ tinh dự kiến sẽ hoạt động trên Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (Sun Synchronous Orbit - SSO) ở độ cao xấp xỉ 500km, có thể phát hiện các vật thể với kích thước từ 1m trên mặt đất.

Ngoài ra, LOTUSat-1 có thể cung cấp ảnh vệ tinh theo 3 chế độ chụp, gồm: Chế độ điểm với độ phân giải không gian 1m (tốt nhất); Chế độ dải với độ phân giải không gian 2m; Chế độ chụp quét với độ phân giải không gian 16m.

TS. Huy cho biết, một đặc điểm đáng chú ý của vệ tinh LOTUSat-1 là có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, nên rất phù hợp với quốc gia có điều kiện khí tượng nhiều mây và sương mù như Việt Nam.

Đại diện từ VNSC kỳ vọng rằng dữ liệu từ vệ tinh sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo VNSC, vệ tinh sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu tối đa lên đến 832 Mbps. Dự kiến, thời gian hoạt động của vệ tinh là trên 5 năm.

Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ phóng vào cuối năm 2024 - 2

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo vệ tinh NanoDragon (Ảnh: VNSC).

Trước đó vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (nặng 1kg) do VNSC nghiên cứu, chế tạo, đã được phóng và hoạt động tương đối ổn định khoảng 3 tháng trên vũ trụ.

Một vệ tinh khác là NanoDragon (nặng 10kg) cũng được VNSC nghiên cứu, phát triển, và phóng vào năm 2021. Tuy nhiên tới nay, một sự cố chưa xác định đã khiến trạm mặt đất chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh.

Sau khi nắm vững công nghệ với những vệ tinh mang tính đào tạo, Việt Nam hướng đến chế tạo các vệ tinh có giá trị cao hơn, bao gồm LOTUSat-1 và LOTUSat-2.

Trong đó, LOTUSat-1 do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Còn LOTUSat-2 hoàn toàn do đội ngũ người Việt thực hiện, và tất cả công đoạn diễn ra ở Việt Nam.

Đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Giới chuyên môn đánh giá, nếu sứ mệnh cùng LOTUSat-2 được thực hiện thành công, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu các nước ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm