Tàu vũ trụ Mỹ rơi xuống Trái Đất ngày 18/1, liệu có nguy hiểm?

Minh Khôi

(Dân trí) - Tàu thám hiểm Mặt Trăng Peregrine 1 được phóng vào tuần trước, sẽ quay trở lại Trái Đất sau sứ mệnh thất bại.

Tàu vũ trụ Mỹ rơi xuống Trái Đất ngày 18/1, liệu có nguy hiểm? - 1

Tàu vũ trụ Peregrine tại cơ sở nghiên cứu trước khi phóng (Ảnh: NASA).

Trong một thông báo mới nhất, Astrobotic Technology - đơn vị thực hiện sứ mệnh Peregrine 1 cho biết tàu đổ bộ của họ hiện đang quay trở lại Trái Đất từ vùng lân cận của Mặt Trăng.

Các quan chức của công ty dự kiến sứ mệnh sẽ kết thúc vào thứ Năm, ngày 18/1, khi tàu lao về Trái Đất và bị đốt cháy trong quá trình xâm nhập bầu khí quyển.

Hiện, Astrobotic đang hợp tác chặt chẽ với NASA để theo dõi đường đi của tàu, và cho biết nó sẽ không gây ra bất kỳ rủi ro an toàn nào trong quá trình quay trở lại.

Sứ mệnh Peregrine từng được đặt rất nhiều kỳ vọng. Nếu hạ cánh thành công, tàu vũ trụ này sẽ đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ trên bề mặt Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ, cũng như trở thành con tàu đổ bộ tư nhân đầu tiên chạm tới vệ tinh của Trái Đất.

Nó cũng mang theo các dụng cụ khoa học và tải trọng thương mại của NASA lên bề mặt Mặt Trăng, nhằm hỗ trợ quá trình nghiên cứu và tạo tiền đề cho việc đưa các phi hành gia quay lại Mặt Trăng.

Mặc dù được phóng thành công, tàu Peregrine đã bất ngờ gặp phải vấn đề về lực đẩy và rò rỉ nhiên liệu. Điều này đã ngăn cản việc hạ cánh tàu lên Mặt Trăng.

Sau khi tham khảo ý kiến của NASA và chính phủ Mỹ, Astrobotic đã quyết định thiết lập tàu quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất và tự hủy trong quá trình này. Quyết định nêu trên là nhằm ngăn chặn việc để lại rác vũ trụ trong vùng không gian quanh Trái Đất.

Tàu vũ trụ Mỹ rơi xuống Trái Đất ngày 18/1, liệu có nguy hiểm? - 2

Hình ảnh đầu tiên về tàu đổ bộ Peregrine của Astrobotic trong không gian (Ảnh: Astrobotic).

Được biết, Astrobotic là công ty đầu tiên trong số 3 công ty của Mỹ sẽ phóng tàu vũ trụ lên Mặt Trăng trong năm nay theo quan hệ đối tác công-tư mới cùng NASA.

Theo BBC, cả 3 công ty Mỹ đều nhận NASA là "khách hàng", nhưng cơ quan này không phụ trách các dự án của họ, mà chính các công ty đã thiết kế tàu vũ trụ và trực tiếp chỉ huy các công đoạn của sứ mệnh.

NASA được cho là đã trả 108 triệu USD cho Astrobotic để phát triển dự án Peregrine và chở thí nghiệm khoa học của cơ quan này tới vệ tinh của Trái Đất Đáng chú ý trong số này gồm Hệ thống quang phổ kế dễ bay hơi cận hồng ngoại (NIRVSS), Hệ thống quang phổ neutron (NSS). Hai thiết bị này dùng để xác định sự tồn tại của nước trên bề mặt Mặt Trăng.

Cùng với đó là một số dụng cụ khoa học từ những quốc gia như Mexico, Nhật Bản... số khác gồm thí nghiệm tự động từ một công ty tư nhân ở Anh và đồ vật từ công ty vận chuyển của Đức.

Tuy nhiên, sứ mệnh đầy tham vọng của Astrobotic đã thất bại do tàu Peregrine gặp sự cố đáng tiếc trong quá trình vận hành, và không thể đạt được mục tiêu hạ cánh lên Mặt Trăng như đã dự tính.