Uống nước mưa có độc hại không?
(Dân trí) - Khẳng định của GS. Ian Cousins đến từ Đại học Stockholm về việc nước mưa có an toàn để uống hay không, gây bất ngờ cho nhiều người.
Trong suốt hàng nghìn năm, con người từng sinh sống phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Thậm chí, coi đây là nguồn nước uống trực tiếp giá trị, vì có chứa ít các loại muối khoáng hòa tan, ít sắt... có lợi cho sức khỏe.
Về mặt lý thuyết, nước mưa gần giống như nước cất, vì cũng hoạt động trên nguyên lý hơi nước ngưng tụ. Tuy nhiên trên thực tế, khi đối mặt với tình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn nước mưa đã không còn sạch nữa.
Hóa chất vĩnh viễn có trong nước mưa
Hóa chất vĩnh viễn, được biết đến một cách khoa học hơn là các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), hiện đang trở nên phổ biến đến mức một nghiên cứu mới ước tính rằng việc uống nước mưa ở "bất kỳ đâu" trên Trái Đất đều không an toàn cho sức khỏe.
Đây là chất gây ô nhiễm mới nổi, cấu thành từ các liên kết cacbon-flo - một trong những liên kết hóa học mạnh nhất và cực kỳ khó bị phá vỡ trong môi trường. Trước đó, chất này được sử dụng khá phổ biến trong bọt chữa cháy, Teflon, bề mặt chống dính, chống ố, hay bao bì thực phẩm.
Nghiên cứu cho biết các hóa chất vĩnh viễn này đã lan rộng ra khắp toàn cầu, ẩn chứa trong bầu khí quyển, và thậm chí tồn tại ngay cả trong không khí bên trong nhà, trường học, nhà máy...
Những hóa chất độc hại do con người tạo ra này có thể được phát hiện trong nước mưa, tuyết, nước đọng lâu ngày... ngay cả ở những địa điểm xa xôi nhất trên Trái Đất.
Theo các chuyên gia y tế, phơi nhiễm PFAS có liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác nhau đối với sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ ung thư, giảm tỷ lệ sinh sản và các vấn đề về phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, chúng ta không cần lo lắng về việc bị phơi nhiễm PFAS qua da khi đi ngoài trời mưa. Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu IADN từ đại học Indiana. Nguyên nhân là bởi chất này chủ yếu chỉ thẩm thấu qua đường tiêu hóa.
Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí thừa nhận rằng "không có phương pháp xử lý thỏa đáng" để giảm thiểu tỷ lệ PFAS và "nhiều sản phẩm tiêu thụ có khả năng sẽ không đạt yêu cầu về môi trường".
Trong một báo cáo được đăng tải trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường (Mỹ), nhiều mẫu nước mưa, nước ở sông hồ, và thậm chí cả được lấy từ khắp nơi trên thế giới đều cho thấy nồng độ PFAS cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.
Tác giả chính của nghiên cứu, GS. Ian Cousins đến từ Đại học Stockholm, nhấn mạnh: "Dựa trên tỷ lệ PFOA tiêu chuẩn trong nước uống, có thể khẳng định rằng nước mưa là không an toàn để uống, dù ở bất kỳ đâu trên Trái Đất".