1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Từ Covid-19 chúng ta rút ra được gì cho việc lấy mẫu vật từ sao Hỏa?

(Dân trí) - Trong khi chủ đề nóng là Covid-19, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn yêu cầu NASA xúc tiến chương trình lấy mẫu vật từ sao Hỏa về nghiên cứu.

Đợt bùng phát virus corona mới gây ra căn bệnh Covid-19 đang lây lan không chừa một châu lục nào trên thế giới.

Các cơ quan y tế cộng đồng trong và ngoài nước vẫn đang tìm hiểu về căn bệnh, giám sát tình hình tiến triển căn bệnh và nghiên cứu nhằm tìm ra cách dập tắt mối họa này. 

Một số người thậm chí đã nghĩ xa hơn, vượt ra khỏi phạm vi địa lý trên Trái Đất, họ liên tưởng đến hình ảnh khoa học viễn tưởng một Trái Đất có nguy cơ bị hủy hoại sinh quyển do những sinh vật ngoài vũ trụ xâm nhập. Sự xâm nhập này có thể là vô tình, cũng có thể là hữu ý.

Trong khi chủ đề nóng là Covid-19, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn yêu cầu NASA xúc tiến chương trình lấy mẫu vật từ sao Hỏa về nghiên cứu.

Vậy nếu những mẫu vật này hóa ra lại nguy hiểm và truyền bệnh thì sao? Liệu Covid-19 và các căn bệnh truyền nhiễm khác có gợi nên điều gì cần cẩn trọng trong việc thám hiểm hành tinh Đỏ này không?

Từ Covid-19 chúng ta rút ra được gì cho việc lấy mẫu vật từ sao Hỏa? - 1

Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu xem trên sao Hỏa có dấu hiệu của sự sống hay không.

 Năm 1973, nhà thiên văn học Carl Sagan đã xuất bản cuốn sách “Kết nối vũ trụ - Viễn cảnh sự sống ngoài Trái Đất”, trong đó nhìn nhận vấn đề mầm bệnh có thể đến từ sao Hỏa (tạm dịch) như sau:

Chính xác là vì sao Hỏa là một môi trường sinh học thu hút sự quan tâm đặc biệt cho nên rất có thể trên sao Hỏa có nhiều mầm bệnh và nhiều sinh vật mà nếu được đưa về môi trường Trái Đất thì sẽ gây ra thảm họa sinh học – một đại dịch sao Hỏa, một vòng xoắn cốt truyện từ tác phẩm Đại chiến thế giới của H.G. Wells. Đây là một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Mặt khác, cũng có người cho rằng sinh vật trên sao Hỏa không thể gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào cho sinh vật Trái Đất vì không có sự tiếp xúc sinh học nào trong 4,5 tỷ năm qua giữa các sinh vật trên hai hành tinh này. Nhưng, một số người khác cũng có lý khi nói rằng sinh vật Trái Đất đã tiến hóa mà không hề có sự tác động nào, không hề chuẩn bị cho sự đối phó với mầm bệnh sao Hỏa, chính xác là vì không hề có sự tiếp xúc sinh học nào như thế trong 4,5 tỷ năm qua. Cơ hội xảy ra sự nhiễm bệnh là rất ít, nhưng mối nguy hiểm này nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ vô cùng lớn.

Quan ngại và không quan tâm

Điều gì sẽ xảy ra nếu có sự lây nhiễm mầm bệnh từ sao Hỏa? Theo ông John Rummel, một nhà khoa học cấp cao của Viện Nghiên cứu tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh ở California, đồng thời đã từng là chuyên gia bảo vệ hành tinh của NASA, cho rằng nên xem xét mối quan ngại đi cùng với tình hình hiện nay của virus corona. Ví dụ như các xét nghiệm chẩn đoán virus corona mà chúng ta đang sử dụng không hoàn toàn chính xác 100%, và có khi mất đến hơn 1 tuần sau khi nhiễm virus thì người bệnh mới có triệu chứng. Và trong khi tình hình lây nhiễm trên Trái Đất có thể chấm dứt khi hết mùa thì điều kiện thời tiết của chúng ta đâu có ảnh hưởng được đến các sinh vật ngoại lai gây bệnh. “Tôi cho rằng chưa thể biết được thách thức đối với hoạt động lấy mẫu vật từ sao Hỏa về lớn đến đâu nếu không được quan tâm”.

Các trường phái tư tưởng

Các nhà khoa học thuộc nhiều trường phái tư tưởng khác nhau khi nói về việc đem mẫu vật từ sao Hỏa ma mị về Trái Đất. Nhưng cách tiếp cận thận trọng dựa trên chính sách ngăn chặn và kiểm tra nghiêm ngặt đối với sự sống và nguy cơ sinh học luôn tương thích với khả năng phát hiện sự sống trong một mẫu vật, hoặc ở đâu đó trên sao Hỏa bằng những biện pháp khác, bởi vì nó vẫn cho phép trả lại mẫu vật về chỗ cũ. Khi đó, nếu một người tìm thấy sự sống trong một mẫu vật, anh ta có cơ hội tốt để nghiên cứu nó trong tầm kiểm soát. Mặt khó của cách tiếp cận này là nó tốn kém hơn nhiều để xây dựng được cơ sở, thiết bị kiểm soát đó.

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Đánh giá độc lập Bảo vệ hành tinh gửi cho NASA, cách tiếp cận này đòi hỏi phải xây dựng cơ sở vật chất phù hợp để xử lý và kiểm soát được mẫu vật sao Hỏa trước khi lấy mẫu vật về.

Theo ông Rummel, nếu một việc gì đó như virus corona này mà xảy ra chẳng hạn thì không hề có sẵn một cơ sở kiểm soát nào đạt tiêu chuẩn như thế, không đạt các yêu cầu an toàn vệ sinh đảm bảo cho bất cứ một sinh vật nào có trong mẫu vật sao Hỏa, và cũng không đảm bảo an toàn được cho Trái Đất.

Các bước chuẩn bị

Phải chăng sự bùng phát căn bệnh mới hiện nay trên Trái Đất là lời nhắc nhở chúng ta cần có những bước chuẩn bị để bảo vệ hành tinh của mình?

Bà Catharine Conley, chuyên gia bảo vệ hành tinh của NASA từ năm 2006 đến 2017 cho rằng cùng với các đại dịch truyền nhiễm đã từng xảy ra trước đây, sự lây lan virus corona lần này là một ví dụ khác cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu được những hậu quả do có sự trao đổi, tương tác trong các môi trường sống của con người, chỉ cần những sự tiếp xúc hiếm hoi và hạn chế cũng có thể phát tán không kiểm soát được những gì mà một người nhận được. Nói về trường hợp khám phá sao Hỏa, khả năng cao là các sinh vật Trái Đất được đem lên sao Hỏa sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các cư dân tương lai ở đó. Nếu sự sống trên sao Hỏa là có thật và được đem về Trái Đất, thì nó cũng rất dễ gây hậu quả cho môi trường ở đây còn hơn cả mầm bệnh con người truyền lên đó.

Tuy nhiên, nếu sự sống trên sao Hỏa có liên quan đến sự sống trên Trái Đất thì phân biệt được nó sẽ khó hơn nhiều so với phân biệt mầm bệnh từ Trái Đất, và cũng  như các căn bệnh lây từ loài này sang loài khác, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.

Phạm Hường 

Theo Space