1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng căn cứ gần Cực Nam của Mặt Trăng

(Dân trí) - Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, nước này dự định lập một trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng trong vòng 10 năm tới.

Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CSNA) sẽ xây trạm nghiên cứu này ở vùng cực Nam của Mặt Trăng, sau khi Mỹ đã có 6 chuyến đổ bộ thành công lên hành tinh này trong thời gian từ 1969 đến 1972 và địa điểm hạ cánh ngày càng tiến gần đến xích đạo của Mặt Trăng.

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng căn cứ gần Cực Nam của Mặt Trăng - 1

Vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch dài hạn này của Trung Quốc, nhưng CSNA đã có những bước đi đáng kể trong việc thám hiểm Mặt Trăng. Đầu năm nay, tàu vũ trụ không người lái Chang’e-4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên phía khuất của Mặt Trăng. Bên cạnh đó, nước này cũng đưa các nhà du hành vũ trụ lên 2 trạm không gian tạm thời là Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2. Cơ quan vũ trụ của nước này cũng có kế hoạch phóng một trạm không gian dài hạn lên quĩ đạo trong thời gian sắp tới.

Những bộ phận đầu tiên của trạm không gian này sẽ được đưa lên quĩ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B loại mới vào đầu năm 2020. Theo hãng thông tấn AFP của Pháp, trạm không gian này không liên quan gì đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). ISS sắp sửa hết thời gian hoạt động, ngoài ra Trung Quốc và Mỹ cũng không hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Cũng theo Tân Hoa Xã, Chang'e-5 sẽ cố gắng đến được Mặt Trăng và mang các mẫu vật trở về trong năm 2019.

Gần đây Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về việc đầu tư cho các chuyến bay vũ trụ. Hiện tại, Mỹ không thể phóng các tàu vũ trụ có người mà không sử dụng tên lửa đẩy của Nga và Mỹ đang lên kế hoạch thay đổi phương thức đó bằng cách sử dụng các tên lửa sử dụng vì mục đích lợi nhuận, chẳng hạn như các tên lửa của hãng SpaceX. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cũng cho biết họ có kế hoạch trong lương lai gần sẽ đưa người trở lại Mặt Trăng và ở lại đó trong một khoảng thời gian để làm công tác nghiên cứu.

Phạm Hường (Theo Live Science)