1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Một robot "thợ xây" có thể được cử tới Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga 8 để xây dựng các cơ sở tại đây.

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng - 1

Trung Quốc phóng tên lửa để triển khai sứ mệnh mặt trăng Hằng Nga 5 tháng 11/2020 (Ảnh: AP).

Theo Space, Trung Quốc đặt mục tiêu thử nghiệm gạch in 3D chế tạo từ đá mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Đây là một trong những bước quan trọng, nhằm hướng tới việc xây dựng các căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng.

Được biết, sứ mệnh Hằng Nga 8 (Chang'e 8) của cơ quan vũ trụ Trung Quốc dự kiến sẽ hạ cánh lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2028. Trong sứ mệnh này, các robot được cử theo tàu vũ trụ sẽ thử nghiệm sử dụng tài nguyên tại chỗ, hoặc chế tạo nguyên vật liệu từ đất, đá... tìm thấy trên bề mặt Mặt Trăng.

Tại một hội nghị khoa học diễn ra ở Vũ Hán đầu tuần này, các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận rằng họ đang xem xét việc chế tạo nên nguyên mẫu gạch in 3D sử dụng vật liệu ngay từ Mặt Trăng nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Cũng tại hội nghị này, Ding Lieyun - một kỹ sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, đã trình làng một nguyên mẫu robot 6 chân, với thiết kế tựa một con côn trùng, được gọi là "siêu thợ xây". Chuyên gia nêu trên tiết lộ robot có thể ghép các viên gạch in lại với nhau một cách tự động, tương tự như các mảnh xếp hình Lego.

"Việc xây dựng nơi cư trú bên ngoài Trái Đất là điều cần thiết không chỉ cho nhiệm vụ thám hiểm không gian của toàn nhân loại, mà còn cho nhu cầu chiến lược của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc vũ trụ", Ding Lieyun tuyên bố tại hội nghị.

Trung Quốc hé lộ kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng - 2

Việc xây dựng nơi cư trú bên ngoài Trái Đất là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc với tham vọng trở thành một cường quốc vũ trụ (Ảnh minh họa: Getty Images).

Trên thực tế, phương pháp in 3D cho các hoạt động ngoài không gian đã được xem xét và thử nghiệm trong nhiều năm. Trước khi Trung Quốc tiết lộ ý định này, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã lên kế hoạch chế tạo gạch bằng chất mô phỏng đá mặt trăng, và đưa máy in 3D kim loại đến Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Tiềm năng đến từ công nghệ này cho phép nhiều vật phẩm, nguyên vật liệu... có thể được sản xuất, hoặc thay thế ngay trong không gian, thay vì phải phóng lên từ Trái Đất, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí.

Trung Quốc hiện đang thực hiện các kế hoạch vô cùng táo bạo trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, tiêu biểu là các sứ mệnh Hằng Nga 6 và Hằng Nga 7.

Trong sứ mệnh Hằng Nga 6, tàu vũ trụ Trung Quốc sẽ thu thập các mẫu vật đầu tiên từ phía xa của Mặt Trăng (hay còn gọi là nửa tối của Mặt Trăng) vào năm 2025.

Tiếp đó, sứ mệnh Hằng Nga 7 của nước này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2026, với nhiệm vụ tìm kiếm băng nước trong các miệng núi lửa bị che khuất, cùng nhiều mục tiêu khác.