1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Trung Quốc đáp thành công tàu Hằng Nga 6 xuống nửa tối Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Trung Quốc đã thành công làm điều Nga và Mỹ chưa thể thực hiện.

Trung Quốc đáp thành công tàu Hằng Nga 6 xuống nửa tối Mặt Trăng - 1

Hình mô phỏng tàu đổ bộ Hằng Nga 6 của Trung Quốc hạ cánh ở nửa tối của Mặt Trăng (Ảnh: CCTV).

Theo các quan chức vũ trụ Trung Quốc, tàu Hằng Nga 6 (Chang'e 6) đã hạ cánh thành công xuống miệng núi lửa Apollo tại Mặt Trăng sáng ngày 2/6. Khu vực nằm tại cực nam, tức nửa không nhìn thấy của Mặt Trăng (còn gọi là nửa tối).

Tính đến nay, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hiện đã có 2 cuộc hạ cánh tàu thăm dò ở khu vực này, là Hằng Nga 4 (năm 2019) và Hằng Nga 6. Chưa có bất kì quốc gia nào khác làm được điều đó dù chỉ một lần.

Đối với sứ mệnh Hằng Nga 6, đây còn được đánh giá là bước ngoặt trong hành trình khám phá không gian của nhân loại, khi tàu được thiết kế để thu thập mẫu vật tại khu vực, rồi gửi chúng trở lại Trái Đất.

"Hằng Nga 6 là sứ mệnh đầu tiên hướng tới mục tiêu lấy mẫu đất và đưa chúng trở về từ nửa tối của Mặt Trăng", CNSA tuyên bố.

Được biết, nỗ lực của các quốc gia hướng tới nửa tối của Mặt Trăng còn khá hạn chế, do liên quan nhiều đến vấn đề kỹ thuật, tính rủi ro cao và những thách thức để giúp tàu vũ trụ hoạt động đúng yêu cầu.

Vì lý do này, Trung Quốc hé lộ rất ít về sứ mệnh Hằng Nga 6, dù đây được xem sứ mệnh mang theo mục tiêu lớn, và có thể tạo ra bước ngoặt đáng kể trong cuộc chạy đua đưa người lên Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những thiết bị khoa học được tàu Hằng Nga 6 mang lên Mặt Trăng cũng chưa được giới chức nước này hé lộ, ngoài việc một thông tin thứ 3 cho biết con tàu sẽ mang theo các tải trọng từ Pháp, Thụy Điển, Ý và Pakistan, tờ Space News cho biết.

Được biết, trong vòng 48 giờ sau khi chạm tới Mặt Trăng, tàu đổ bộ sẽ vươn một cánh tay robot ra để thu thập mẫu đất, đá, kể cả những mẫu vật bên dưới bề mặt sau khi robot khoan xuống đất.

Những mẫu vật này sau đó được đưa vào bên trong một viên nang, rồi phóng lên khỏi bề mặt Mặt Trăng, trước khi được thu thập bởi tàu quỹ đạo.

Nếu như mọi bước đều diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu quỹ đạo sẽ quay trở lại Trái Đất sau hành trình kéo dài 53 ngày kể từ ngày phóng (3/5).

Trung Quốc đáp thành công tàu Hằng Nga 6 xuống nửa tối Mặt Trăng - 2

Sơ đồ mô tả các giai đoạn khác nhau của sứ mệnh Hằng Nga 6 (Ảnh: CNSA).

Mặc dù cả Mỹ và Liên Xô cũ đều nỗ lực chinh phục Mặt Trăng rất nhiều lần, nhưng tính đến nay, cả hai cường quốc trên đều đã chậm chân hơn Trung Quốc một bước trong việc khám phá nửa tối.

Trong đó, Nga nêu rõ mục tiêu, rằng hạ cánh ở cực nam của Mặt Trăng là cách duy nhất để chứng minh những giả thuyết khoa học về nước có thể tồn tại nơi đây dưới dạng băng lỏng.

Theo Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), Hằng Nga 6 là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng, với việc đưa phi hành đoàn hạ cánh xuống "người hàng xóm" của Trái Đất vào năm 2030.

Mỹ cũng đang thúc đẩy một sứ mệnh tương tự, mang tên Artemis, và được xem là đối trọng số 1 của Trung Quốc trong chiến dịch đổ bộ này.

Dẫu vậy, thành công của sứ mệnh Hằng Nga 6 như một lời khẳng định đanh thép, rằng quốc gia tỷ dân đã sẵn sàng để vượt qua cả Mỹ và Nga trong "cuộc đua mới", được cả nhân loại hướng đến.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm