Không gian thực sự có nguy cơ trở thành chiến trường?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Đầu đạn hạt nhân hay vệ tinh vũ trang sớm bay vòng trên đầu chúng ta là điều mà siêu cường trên thế giới ám chỉ.

Không gian thực sự có nguy cơ trở thành chiến trường? - 1

Vũ khí không gian sẽ phá hủy hệ thống vệ tinh ngoài Trái Đất trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến (Ảnh minh họa: 20Minutes).

Năm 1967, Liên Hợp Quốc đã thông qua Hiệp ước Không gian Vũ trụ, cấm các bên ký kết - trong đó có Mỹ và Nga - đưa lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất mọi vật thể mang theo vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.

"Ngoài những loại vũ khí này, Hiệp ước trên không có quy định cấm các vệ tinh có vũ trang", nhà nghiên cứu Florence Gaillard Sborowsky, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp nhấn mạnh.

Chiến tranh không gian - một "cuộc chiến điện tử"

Trên thực tế, việc quân sự hóa không gian không bị cấm và đã tồn tại. Nhiều vật thể trên quỹ đạo ngày nay có mục tiêu quân sự, chẳng hạn như vệ tinh trinh sát hoặc nghe lén.

"Các thiết bị được triển khai để giám sát trong không gian rất hoành tráng, điển hình như vệ tinh gián điệp Mentor của Mỹ, nó được trang bị bộ anten có thể mở rộng đường kính lên tới 100 mét," Sborowsky cho biết.

Kể từ những năm 1960 và khi công cuộc chinh phục vũ trụ bắt đầu, không gian dần được coi là một vấn đề thiết yếu liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Sự tăng lên nhanh chóng số lượng vệ tinh của các quốc gia ngoài không gian đã kéo theo nhiều cường quốc vũ trụ nghiên cứu các "vệ tinh chống vệ tinh", nó giống như cuộc đua vào không gian đang diễn ra.

Các công nghệ như gây nhiễu, hack hay thậm chí điều khiển từ xa ngoài không gian giờ đây không còn là khoa học viễn tưởng.

Một số trường hợp gián điệp trên quỹ đạo đã được phát hiện, điển hình như vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Florence Parly đã thông tin về một vệ tinh của Nga đã tiếp cận "hơi quá gần" với một thiết bị của nước này.

Kể từ năm 2022 và trong thời điểm diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã xuất hiện một số trường hợp gián điệp giữa vệ tinh của Nga và phương Tây, đặc biệt là của Pháp được công khai.

Nguy cơ xảy ra "hiệu ứng ricochet"

"Gây nhiễu có ưu điểm chính là tính bảo mật cao, nó khiến cho các quốc gia rất khó quy trách nhiệm một ai đó. Mặt khác, việc một quốc gia phát động phá hủy một vệ tinh của nước khác có chủ đích sẽ dẫn tới một lời tuyên chiến.

Nếu một quốc gia tiến hành thử nghiệm, thực hành phá hủy vệ tinh đều phải khai hỏa từ Trái Đất. Vào tháng 11/2021, Nga đã nghiền nát một trong những vệ tinh của mình bằng hỏa lực trên mặt đất", nhà nghiên cứu Sborowsky chia sẻ.

Theo các nhà khoa học, những màn phô trương sức mạnh này ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi một vệ tinh bị phá hủy, nó sẽ tạo ra một đám mây vụn. Chúng lây lan khắp nơi, khó kiểm soát và có thể ảnh hưởng đến các vệ tinh khác bao gồm cả các thiết bị công nghệ hiện đại và đắt tiền của đồng minh ngoài không gian.

Nhà nghiên cứu Sborowsky cho biết thêm: "Chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ của hiệu ứng ricochet (hiện tượng bị nảy ra hay dội lại khi không thể xuyên qua mục tiêu và không bị phá hủy hoàn toàn của đạn - PV).

Tuy nhiên, không gian là một môi trường độc đáo, nơi sự phụ thuộc lẫn nhau là rất quan trọng và không ai trong số chúng ta mong muốn nhìn thấy các mảnh vụn sinh sôi nảy nở".

Phá hủy hàng trăm vệ tinh nếu xảy ra tấn công hạt nhân

Bóng ma về một cuộc tấn công hạt nhân trong không gian vẫn tiếp tục gia tăng. Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, Patrick Ryder ngày 21/5 cáo buộc: "Vào ngày 16/5, Nga đã phóng một vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất mà chúng tôi nghi ngờ là vũ khí không gian, có khả năng tấn công các vệ tinh khác trên quỹ đạo".

Theo ông Ryder, vũ khí mới của Nga dường như đã được triển khai vào cùng quỹ đạo với vệ tinh của Chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, nhà ngoại giao Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Robert Wood cũng đưa ra cáo buộc tương tự và nói rằng vũ khí không gian của Nga bay "gần và có khả năng tấn công một vệ tinh của chính phủ Mỹ".

Nhà nghiên cứu Olivier Sanguy, Giám đốc bảo tàng hàng không Cité de l'espace (Toulouse, Pháp) cho biết: "Chúng ta có thể tưởng tượng ra hai trường hợp: một vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp nó có khả năng di chuyển tốt hơn và do đó có lợi thế hơn các vệ tinh khác.

Hoặc một vệ tinh có thể mang bom hạt nhân và nếu nó phát nổ, sẽ khiến hàng trăm vệ tinh ngừng hoạt động".

Theo Sanguy, trường hợp thứ hai giống như "ném một quả lựu đạn vào đám đông", có thể mang lại lợi thế đối với một mạng lưới vệ tinh như Starlink của SpaceX - vốn sở hữu số lượng lên đến hàng nghìn thiết bị ngoài không gian".

Nếu một cuộc tấn công như này xảy ra, chắc chắn nó sẽ làm hỏng mạch điện của hàng trăm vệ tinh cùng một lúc.

Nhưng theo nhà khoa học Sborowsky, lợi ích chiến lược từ chiến thuật này vẫn còn "khá yếu". Chính vì thế, việc tấn công vào một trung tâm điều khiển mặt đất sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, thay vì nhắm vào các mục tiêu ngoài không gian.

Theo www.20minutes.fr