1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN

(Dân trí) - Chiều 21/12, tại báo điện tử Dân trí, Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đã tiến hành trao giấy chứng nhận và giải thưởng trị giá 200 triệu đồng cho các tác giả của công trình đột phá trong công nghệ khai thác than hầm lò tại Công ty Cổ phần than Hà Lầm.

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN - Ảnh 1.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 trao giấy chứng nhận cho đại diện nhóm tác giả - ông Vũ Ngọc Thắng.

Trước đó, vào tối 20/11, công trình độc đáo này đã được vinh danh ở lĩnh vực KHCN trong đêm trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018.

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN - Ảnh 2.

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cùng ông Đặng Vũ Minh trao giải thưởng trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ cho KS Lê Minh Chuẩn và các cộng sự tại Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2018 diễn ra tối 20/11.

Đại diện cho nhóm tác giả nhận giấy chứng nhận và giải thưởng là ông Vũ Ngọc Thắng – thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Chúng tôi rất vui khi được Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vinh danh. Đây là một giải thưởng có ý nghĩa tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để có thêm nhữngcông trình nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống".

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN - Ảnh 3.

Ông Vũ Ngọc Thắng khẳng định Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ là động lực cho các tác giả tiếp tục nỗ lực nghiên cứu để có những công trình hữu ích cho cộng động.

Thay mặt nhóm tác giả,ông Vũ Ngọc Thắng cũng quyết định trích lại 50 triệu đồng từ Giải thưởng để tặng lại Quỹ Nhân ái của Báo Dân trí.

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN - Ảnh 4.

Nhóm tác giả cũng quyết định trích lại 50 triệu đồng từ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 để tặng lại Quỹ Nhân ái của Báo Dân trí.

Thay mặt Ban tổ chức, Nhà báo Phạm Huy Hoàn – Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018, Tổng biên tập báo Điện tử Dân trí một lần nữa chúc mừng nhóm tác giả đã có công trình xuất sắc được vinh danh. Bên cạnh đó, Nhà báo Phạm Huy Hoàn cũng cảm ơn và đón nhận tấm lòng của các tác giả khi quyết định trích lại một phần của Giải thưởng để tặng lại Quỹ Nhân ái.

Công trình "Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng dàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác" được đánh giá là đột phá bởi đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Than Hà Lầm. Nhóm tác giả công trình gồm 12 người. Chủ nhiệm công trình: Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch HĐTV - Tập đoàn CN than KS Việt Nam. Đồng chủ nhiệm: Đặng Thanh Hải : Tổng giám đốc Tập đoàn CN than KS Việt Nam. 

Các thành viên gồm: Phạm Công Hương: Tập đoàn CN than KS Việt Nam, Trần Mạnh Cường – Giám đốc công ty CP than Hà lầm –Vinacomin, Ngô Thế Phiệt – Giám đốc công ty CP than Núi Béo ( nguyên giám đốc Giám đốc công ty CP than Hà lầm – Vinacomin), Nguyễn Việt Cường – Công ty CP tư vấn đầu tư Mỏ và công nghiệp, Vũ Ngọc Thắng, Trương Ngọc Linh, Đinh Trung Kiên, Đỗ Trung, Nguyễn Lê Tùng và Phạm Văn Thắng cùng Công ty CP than Hà lầm –Vinacomin.

Xuất phát từ thực tiễn cũng như mong muốn nâng cao năng suất khai thác đạt công suất cao kỷ lục, nhóm tác giả gồm 12 người là lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp than Khoáng sản Việt Nam (TKV), lãnh đạo Công ty Cổ phần than Hà Lầm cùng với đội ngũ kỹ sư đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng công trình áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để tại Công ty Cổ phần than Hà Lầm.

Trao giấy chứng nhận và giải thưởng cho tác giả công trình được vinh danh ở lĩnh vực KHCN - Ảnh 5.

Công nhân vận hành hệ thống trong hầm lò.

Trong quá suốt quá trình nghiên cứu công trình, nhóm tác giảđã luôn sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn như: tháo dỡ từng bộ phận của hệ thống bao gồm các thiết bị cơ giới hóa vốn là các thiết bị siêu trường, siêu trọng... để giảm trọng lượng, kích thước thiết bị phù hợp với vậnchuyển vào trong hầm lò vốn có không gian chật hẹp để lắp đặt; Sử dụng biện pháp khoan phun ép hóa chất vào nền lò, thành lò để gia cố đông cứng than nền lò, thành lò không để lún thiết bị và tụt lở gương lò; Nghiên cứu và đề nghị nhà sản xuất chế tạo bổ sung thêm kích đẩy chân đế giàn chống để điều chỉnh khoảng cách giàn chống cho phù hợp trong hầm lò, bổ sung hệ thống kích đẩy tấm chắn mặt gương dài thêm 0,6m để chắn mặt gương lò khi bị tụt lở mang lại hiệu quả cao khi xử lý mặt gương lò chợ tụt lở...

Sau 3 năm dày công nghiên cứu cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, công trình trên được hoàn thành, đi vào hoạt động và đã khẳng định được tính ưu việt. Công trình không chỉ hiện đại mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi đi vào vận hành sẽ góp phần tăng năng suất lao động của công nhân khai thác ở lò chợ, tiết kiệm nhân lực, chi phí vật tư (thuốc nổ, kíp nổ, lưới thép...).

Nguyễn Hùng

Ảnh - Video: Quân-Đỗ