Tin xấu cho những ai đang hy vọng về sự sống trên Proxima b

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, vào năm ngoái, hành tinh đá nằm trong hệ sao gần Mặt trời của chúng ta nhất đã bị tấn công bởi một cơn bão mặt trời siêu cấp từ ngôi sao chủ của nó.

Đây là một tin xấu cho những người đang hy vọng về sự sống trên ngoại hành tinh Proxima b.

Nếu người hàng xóm gần nhất của Trái Đất có tồn tại sự sống, thì có lẽ sự sống đó cũng đã bị phá hủy bởi một cơn bão mặt trời cực lớn, nếu một cơn bão lớn như vậy bùng phát từ Mặt trời của chúng ta thì sự sống trên Trái Đất cũng sẽ bị hủy diệt.

Kể từ khi phát hiện ra ngoại hành tinh này vào năm 2013, các nhà khoa học vẫn luôn hy vọng Proxima b có thể sẽ là nơi tồn tại sự sống do nó có điều kiện hết sức thuận lợi. Hành tinh này cách Trái đất 40 nghìn tỷ ki-lô-mét (hay 4,25 năm ánh sáng) và quay quanh ngôi sao Proxima Centauri – một ngôi sao lùn đỏ và cũng là người hàng xóm gần gũi nhất với chúng ta. Trong hệ mặt trời của mình, Proxima b nằm ở “vùng sống được”, có nghĩa là khoảng cách đến ngôi sao chủ của nó không quá xa cũng như không quá gần, từ đó tạo nên các điều kiện phù hợp với sự sống.

Nhưng, một cơn bão mặt trời phát ra từ Proxima Centuri có thể đã xóa sạch bất kỳ sự sống nào tồn tại trên Trái Đất phiên bản 2.0 này.

Các nhà khoa học đã biết rằng Proxima b vẫn luôn phải chịu rất nhiều đòn trừng phạt từ ngôi sao chủ, nhưng nghiên cứu mới này cho rằng mức độ tổn hại còn nặng nề hơn so với chúng ta vẫn nghĩ. Trong một đợt bùng phát hồi tháng Ba năm ngoái, Proxima Centauri đã sáng gấp 1.000 lần so với bình thường, và sự kiện này kéo dài khoảng 10 giây.


Hình ảnh minh họa về một cơn bão (tai lửa) mặt trời.

Hình ảnh minh họa về một cơn bão (tai lửa) mặt trời.

Theo nhà khoa học Meredith MacGregor – tác giả chính của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí thiên văn học, “ngày 24 tháng 03 năm 2017 không phải là một ngày bình thường đối với Proxima Centauri. Có vẻ như vụ nổ này đã phát ra những bức xạ mang năng lượng cực cao đến Proxima b”.

Trong hàng tỷ năm kể từ khi Proxima b hình thành, những cơn bão mặt trời như thế này có thể đã làm bốc hơi bất kỳ bầu khí quyển hoặc đại dương nào, và thổi bay toàn bộ mọi thứ trên bề mặt. Từ đó chúng ta thấy rằng, để phù hợp với sự sống thì một hành tinh không chỉ cần có khoảng cách thích hợp đến ngôi sao chủ )để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng) mà còn cần nhiều yếu tố khác.

Nghiên cứu này cũng đã phủ định một nghiên cứu trước đó cho rằng có một lớp bụi lớn quay xung quanh ngôi sao này. Năm ngoái, các chuyên gia ở Viện nghiên cứu Astrofísica de Andalucía (CSIC), Granada, Tây Ban Nha tuyên bố rằng họ tìm thấy bằng chứng về một lớp bụi lớn quay quanh Proxima Centauri, và lớp bụi đó có thể sẽ hình thành nên các hành tinh sau này.

Nhưng, nghiên cứu mới này lại cho rằng không hề có lớp bụi nào như vậy. Nhà khoa học Alycia Weinberger – đồng tác giả của nghiên cứu này – chia sẻ: “hiện tại không có bất kỳ lý do gì để nghĩ rằng có một lượng bụi đáng kể xung quanh Proxima Centauri. Cũng như không có bất kỳ thông tin nào cho thấy ngôi sao đó có một hệ hành tinh phong phú như Mặt trời của chúng ta”.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm