Tín hiệu bất thường từ không gian thách thức giới thiên văn học
(Dân trí) - Một tín hiệu sóng vô tuyến được các nhà thiên văn học phát hiện đã đặt ra một dấu hỏi lớn trong giới khoa học.
Trong không gian sâu thẳm luôn chứa đầy những tín hiệu kỳ lạ và các nhà thiên văn học thường phát hiện ra những đợt bùng phát sóng vô tuyến từ khắp vùng rộng lớn trong vũ trụ.
Tuy nhiên, mới đây họ đã phát hiện một tín hiệu đặc biệt bí ẩn và hoàn toàn khác lạ. Đây có phải là nguồn tín hiệu đến từ một nền văn minh ngoài Trái Đất gửi vào vũ trụ?
Nguồn vô tuyến này được đặt tên là ASKAP J1935+2148, phát ra xung mỗi giờ, điều chưa từng được quan sát trước đây.
Các nhà thiên văn học tin rằng nó có thể bắt nguồn từ một sao neutron, nhưng vì sóng ASKAP J1935+2148 phát tín hiệu chậm hơn so với những ngôi sao thuộc loại này, giả thuyết hiện không đủ chứng cứ khoa học để chứng minh.
Để làm rõ bí ẩn, các nhà thiên văn học đến từ Đại học Sydney và Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc (CSIRO) đã theo dõi nguồn tia gamma và tìm kiếm các xung từ một vụ nổ vô tuyến nhanh.
Kết quả họ đã phát hiện ra một vật thể rất nhỏ, nó phát ra và lặp lại tín hiệu vô tuyến trong khoảng thời gian tương đối ngắn với chuyển động sóng thuộc loại phân cực.
Tiến sĩ Emil Lenc tại CSIRO cho biết họ sẽ không xác định được nó nếu không có kính viễn vọng vô tuyến ASKAP. Đây là một trong những kính thiên văn tốt nhất trên thế giới, có thể quét liên tục một phần lớn bầu trời, cho phép nhóm nghiên cứu phát hiện bất kỳ điểm bất thường nào ngoài vũ trụ.
Một vật thể hiện trạng thái phát xạ riêng biệt
Tiến sĩ Manisha Caleb, Viện Thiên văn học từ Đại học Sydney cho biết: "Điều thú vị là vật thể được kính thiên văn ASKAP theo dõi có 3 trạng thái phát xạ riêng biệt, mỗi trạng thái lại có những đặc tính hoàn toàn khác biệt so với các trạng thái còn lại".
Nhóm nghiên cứu đã phân tích vật thể và phát hiện ra rằng đôi khi nó phát ra những xung kéo dài từ 10 đến 50 giây. Tất cả chúng đều hướng về cùng một phía và có độ phân cực tuyến tính.
Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, vật thể lại phát ra các xung yếu hơn, có độ phân cực tròn và chỉ kéo dài 370 mili giây, thậm chí có thời điểm vật thể đó hoàn toàn im lặng.
"Nếu các tín hiệu không đến từ cùng một điểm trên bầu trời, chắc chắn một vật thể sẽ không thể phát ra các xung khác nhau", Caleb nêu quan điểm.
Bí ẩn ngày càng sâu sắc
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney và CSIRO tin rằng vật thể có thể là một ngôi sao neutron hoặc sao lùn trắng, nhưng họ vẫn chưa đủ bằng chứng để chứng minh giả thuyết này.
Các đặc tính của sóng vô tuyến ASKAP J1935+2148 không giống với đặc tính của 2 loại sao này trong vũ trụ.
Sao neutron thường xuyên phát ra sóng vô tuyến. Đối với ASKAP J1935, các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng các tín hiệu khác nhau có thể là do từ trường mạnh và dòng plasma phức tạp xung quanh ngôi sao.
Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại chính là thời gian quay hoàn toàn của sao neutron nhiều nhất là vài giây. Điều này không xảy ra với ASKAP J1935, nó gửi tín hiệu cứ sau 53,8 phút.
Thực tế tín hiệu lặp lại với tốc độ chậm như vậy trong vũ trụ là điều phi thường cho đến nay.
Mặt khác, ngay cả khi một sao lùn trắng biệt lập có từ trường cực mạnh tạo ra tín hiệu mà các nhà khoa học có thể phát hiện, họ vẫn sẽ rất ngạc nhiên vì đây có thể là một loại sao lùn trắng chưa bao giờ được phát hiện trước đây.
Đây không phải là lần đầu tiên tín hiệu vô tuyến lặp đi lặp lại từ không gian khiến các nhà khoa học ngạc nhiên và bối rối. Một tín hiệu khác được phát hiện vào tháng 1/2022 lặp lại cứ sau 18 phút.
Do đó, để xác định bản chất thực sự của ASKAP J1935+2148, nhóm các nhà thiên văn cần phải có sự nghiên cứu thêm. Hy vọng phát hiện này sẽ cung cấp những hiểu biết mới về vòng đời của các vật thể sao phức tạp.
"Nghiên cứu sâu hơn về khám phá này có thể khiến chúng ta xem xét lại sự hiểu biết hàng thập kỷ của con người về sao neutron hoặc sao lùn trắng, cách chúng phát ra sóng vô tuyến và quần thể của chúng trông như thế nào trong thiên hà của chúng ta", Caleb kết luận.