Tìm thấy xác “vũ khí trả thù” của Phát xít Đức ở Anh
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra những mảnh vỡ của máy bay ném bom V1 của Đức trong thế chiến II đã bị bắn hạ khi nó đang nhắm vào mục tiêu ở London.
V1 là máy bay không người lái, tiền thân của tên lửa dẫn hướng ngày nay. Nó là một trong hàng nghìn “vũ khí trả thù” của Phát xít Đức vào giai đoạn kết thúc Thế chiến II. Hầu hết trong số 10.000 máy bay ném bom V1 đã cất cánh từ các bệ phóng của Đức trên đất Hà Lan và nhắm đến vùng đông nam nước Anh vào năm 1944 và 1945.
Để bảo vệ London, các phi công lái máy bay chiến đấu đã luyện tập thành thục bắn hạ máy bay ném bom của Đức, đồng thời các xạ thủ pháo phòng không cũng tiêu diệt rất nhiều V1. Chiếc V1 mà xác của nó vừa được khai quật trong một cánh rừng ở Kent (Anh) đã không đến được London là vì thế.
Nhưng nhiều chiếc đã lọt lưới phòng không và tới được đích, cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người Anh và làm bị thương hàng chục nghìn người khác. Những quả bom này cũng có sức tàn phá kinh khủng và thường làm cháy các mục tiêu nó nhắm trúng.
Máy bay ném bom V1 hoạt động nhờ khí nén, có sải cánh dài hơn 5 mét và mang đầu đạn nặng khoảng 850 kg, có thể bay xa tới 240 km. V1 thường cất cánh từ bệ phóng và đạt tốc độ tối đa 640km/giờ, được định hướng bởi một động cơ phản lực, chính vì thế nó được người Anh gọi là bom bay. Tiếng ồn mà V1 gây ra to, dữ dội và đặc biệt đến nỗi khiến cả vùng đông nam nước Anh khi đó hoảng sợ, đặc biệt là khi nó xẹt ngang trên đầu lúc sắp trúng đích.
Đức Quốc trưởng Hitler nói rằng những chiếc V1 được sử dụng để đáp trả những đợt không kích hủy diệt của phe Đồng minh nhằm vào các thành phố của Đức, chẳng hạn như thành phố Hamburg đã mất 35.000 sinh mạng chỉ trong vài ngày trong năm 1943.
Phi công lái máy bay chiến đấu và xạ thủ pháo phòng không của phe Đồng minh đã tìm ra cách đối phó với V1 chỉ vài tháng sau khi loại máy bay này được đưa vào sử dụng. Chiếc V1 vừa được khai quật ở cánh rừng gần Kent, nước Anh đã bị bắn hạ vào ngày 6/8/1944 bởi một phi công người Ba Lan, Trung sĩ không quân Józef Donocik, khi đó đang lái chiếc Mustang P-51 do Mỹ sản xuất.
Chiếc V1 đầu tiên được phóng vào ngày 13/6/1944 và nhanh chóng bị London tìm ra cách vô hiệu hóa, nhưng Phát xít Đức cũng đã sử dụng một loại vũ khí trả thù khác được gọi là tên lửa V2 chỉ vày ngày sau khi phóng chiếc V1 đầu tiên.
Người phụ trách dự án khảo cổ này, ông Colin Welch cho biết nhóm của ông đã tiến hành một số cuộc khai quật và tìm thấy cả chứng tích của tên lửa V2. Hầu hết các bộ phận bằng kim loại của các vũ khí này đều bị phân hủy trong môi trường đất ẩm và có axit, nhưng những phần bằng nhôm thì còn lại khá nguyên vẹn, chẳng hạn như máy nén nhiên liệu của V1, một số bộ phận của hệ thống dẫn đường và hệ thống phản lực và buồng đốt nhiên liệu của V2. Ông Welch có ý định lập ra một bảo tàng online để trưng bày các hiện vật này dưới dạng hình ảnh 3 chiều cùng các thông tin lịch sử về các chiến dịch sử dụng V1 và V2. Ông nói rằng “đây là lịch sử của chúng ta và nó cần được lưu giữ một cách có trách nhiệm”.
Phạm Hường (Theo Live Science)