1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tìm thấy thai nhi trong bụng mẹ ở một hóa thạch bò sát biển 200 triệu năm tuổi

(Dân trí) - Người ta đã tìm thấy phần di thể của một thai nhi vẫn còn chưa sinh ra trong cơ thể của một hóa thạch bò sát biển 200 triệu năm tuổi.

Tìm thấy thai nhi trong bụng mẹ ở một hóa thạch bò sát biển 200 triệu năm tuổi - 1

Con bò sát ngư long đang mang thai và dài 3,5m này sống ở giai đoạn đầu tiên của loài khủng long – thời kỳ đầu của kỷ Jura.

Các nhà khoa học cho biết phôi thai không hoàn chỉnh này dài chưa đầy 7cm và có các đốt sống, một vây trước, xương sườn và một vài đoạn xương khác được bảo tồn.

Các bằng chứng cho thấy thai nhi này vẫn đang phát triển trong dạ con ở thời điểm nó bị chết.

Phát hiện này đã bổ sung cho các bằng chứng về loài ngư long (ichthyosaur) – loài bò sát có thể dài tới hơn 20m khi trưởng thành và sinh ra con non chứ không đẻ trứng như loài khủng long.


Minh họa về một con ngư long đang mang thai.

Minh họa về một con ngư long đang mang thai.

Nhóm nghiên cứu này gồm các nhà khoa học tới từ Anh và Đức, trong đó trưởng nhóm nghiên cứu là nhà khoa học Dean Lomax - từ đại học Manchester (Anh) – cho hay: “mẫu vật này đã cung cấp những thông tin mới về phạm vi kích thước của loài này, và còn là mẫu vật thứ ba của một con ngư long đang mang thai mà chúng ta từng phát hiện được. Điều này hết sức đặc biệt”.

Loài sinh vật có tên là ichthyosaurus somersetensis này được phát hiện ở bờ biển Somerset trong những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng cuối cùng số phận của nó đã kết thúc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Bang Lower Saxony ở Hanover, Đức.

Nghiên cứu mới này còn cho biết trong mẫu vật trưng bày ở bào tàng có gắn đuôi của một con ngư long khác vào bộ xương chính, khiến cho nó có vẻ hoàn chỉnh hơn và rất hấp dẫn ánh nhìn khi đem ra trưng bày.

Nhà cổ sinh vật học Tiến sĩ Sven Sachs từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bielefeld, Đức cho biết “phải xem xét các hóa thạch một cách cực kỳ tỉ mỷ là điều rất quan trọng. Đôi khi, như ở trường hợp này, mẫu vật đặt trong bảo tàng này không hề giống hoàn toàn với vẻ ngoài của nó. Tuy nhiên, đây không phải là “sắp xếp lại với nhau” để trưng bày một mẫu vật giả, mà chỉ đơn giản là làm cho mẫu vật trưng bày trở nên hoàn thiện hơn”.

“Các mẫu vật như vậy mang đến cho các nhà cổ sinh học những thông tin quan trọng về thời điểm sinh sống của những con vật này. Rất nhiều mẫu vật của loài ngư long đều thuộc về các bộ sưu tập trong bảo tàng và không hề được ghi lại điều gì về hồ sơ địa lý hay địa chất, tuy nhiên mẫu vật này lại có đầy đủ những thông tin đó”.

Đây là mẫu vật lớn nhất của họ ichthyosaur từng được bảo quản.

Anh Thư (Theo Metro)