Tìm thấy lời giải cho sức mạnh hàm răng của rồng Komodo

Minh Khôi

(Dân trí) - Rồng Komodo có hàm răng khỏe, giúp chúng dễ dàng xé thịt con mồi nhờ được lót bằng một lớp sắt.

Tìm thấy lời giải cho sức mạnh hàm răng của rồng Komodo - 1

Rồng Komodo có hơn 60 chiếc răng sắc nhọn (Ảnh: Getty).

Răng của rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) được bọc sắt theo đúng nghĩa đen. Đây là kết luận từ một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution ngày 24/7.

Theo đó, lớp phủ kim loại này có thể đã gia cố từng chiếc răng, giúp rồng Komodo xé toạc cơ thể của các loài động vật to lớn như hươu hay trâu nước một cách dễ dàng.

"Ở rồng Komodo, sắt được phủ lên trên men răng giống như lớp kem phủ trên bánh vậy," Aaron LeBlanc, nhà cổ sinh vật học, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Bằng cách sử dụng kính hiển vi, nhóm nghiên cứu nhận thấy các vết màu cam ở mặt ngoài và các cạnh răng cưa của mẫu răng. Đây chính là một lớp sắt mỏng được tích hợp vào răng của rồng Komodo, thay vì chỉ có trong thành phần men răng như một số loài động vật khác, chẳng hạn như hải ly.

Điều thú vị là trong quá khứ, loài khủng long có thể cũng sở hữu đặc điểm tương tự, do rồng Komodo chính là loài bò sát lớn nhất còn sống trên thế giới. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng việc nghiên cứu chi tiết hơn về lớp phủ sắt trên răng của rồng Komodo có thể giúp họ giải mã bí ẩn này.

Tìm thấy lời giải cho sức mạnh hàm răng của rồng Komodo - 2

Lớp sắt màu vàng cam được phủ lên trên men răng của rồng Komodo (Ảnh: E&E).

Rồng Komodo thường được tìm thấy trên các đảo của Indonesia. Chúng dài tối đa 3 mét, nặng 70kg. Đòn tấn công nguy hiểm nhất của rồng Komodo đến từ cái miệng của chúng, với đầy những chiếc răng sắc nhọn.

Tính trung bình, rồng Komodo có hơn 60 chiếc răng, dài khoảng 2,5 cm, hình móc câu, giúp chúng dễ dàng xé toạc da của con mồi và gây ra những vết thương nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, miệng của rồng Komodo cũng có nọc độc ở dạng protein, tiết ra từ hai tuyến tại hàm dưới, và ngay cả nước bọt của chúng cũng chứa tới 50 loại vi khuẩn khác nhau.

Đây là các loại độc tố có tác dụng chống đông máu, tê liệt và gây kiệt sức. Chỉ cần một vết cắn của loài rồng này cũng có thể khiến con mồi nhiễm độc, rồi tử vong trước khi bị nó nuốt trọn.

Theo www.sciencenews.org