1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hải cẩu mắc bệnh dại cắn người đi biển ở Nam Phi

Minh Khôi

(Dân trí) - Những con hải cẩu mắc bệnh dại ở Nam Phi đang tấn công người trong đợt bùng phát dịch bệnh lớn đầu tiên được biết đến ở động vật có vú biển.

Hải cẩu mắc bệnh dại cắn người đi biển ở Nam Phi - 1

Hải cẩu mắc bệnh dại cắn người đi biển ở Nam Phi (Ảnh: Shutterstock).

Theo Live Science, nhiều trường hợp hải cẩu tấn công người lướt sóng và đi biển đã được ghi nhận ở Nam Phi thời gian gần đây.

Đặc điểm chung của tất cả các trường hợp là đều ghi nhận hải cẩu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus bệnh dại.

Cũng giống như chó, hải cẩu có tính tình khá ôn hòa, thường chơi đùa với con người. Tuy nhiên, virus dại khiến chúng có hành động kỳ lạ và hung dữ.

Trong một video được ghi lại vào tháng 5, một con hải cẩu đã bám vào ván lướt sóng của người đàn ông và bắt đầu cắn người này.

"Nó lao lên lưng tôi và cắn thủng bộ đồ lặn của tôi. Nó cũng cắn tôi ở phía sau nữa", người này kể lại. "Tôi cố gắng đẩy nó ra, nhưng nó cứ tiếp tục quay lại tấn công".

Nhiều cá thể hải cẩu cũng được phát hiện thấy trên bãi biển khi chúng bơi vào bờ với những vệt máu và vết thương nghiêm trọng trên mặt, có khả năng do một con khác mắc bệnh dại gây ra.

Hải cẩu mắc bệnh dại cắn người đi biển ở Nam Phi - 2

Hải cẩu sống thành bầy lên tới hàng ngàn con. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh dịch ở chúng nếu bùng phát, sẽ rất khó kiểm soát (Ảnh: Observation).

Các chuyên gia cho biết, đây là đợt bùng phát dịch bệnh lớn đầu tiên được biết đến ở động vật có vú biển.

"Chúng tôi nghĩ rằng khá nhiều người đã bị hải cẩu dại cắn. Những người này cần hết sức đề phòng vì nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ chúng", Gregg Oelofse, đại diện ban quản lý bờ biển của Thành phố Cape Town (Nam Phi) chia sẻ.

Oelofse cũng khuyên những người đi tắm biển và lướt sóng ở khu vực cần hết sức thận trọng và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bị hải cẩu cắn.

Trong khi đó, các nhà khoa học lại đang giải trình tự virus bệnh dại để xác định chính xác địa điểm và thời gian nó xâm nhập vào quần thể hải cẩu, từ đó xác định mức độ lây lan của dịch.

Hải cẩu lông Nam Phi (Arctocephalus pusillus) có tập tính sống thành các đàn dày đặc. Điều đó nghĩa là căn bệnh này có thể trở thành bệnh đặc hữu, và thậm chí lây lan sang các loài động vật có vú khác, như rái cá, sư tử biển...

Theo www.livescience.com