Tìm ra nguồn gốc những khối đá khổng lồ xây đền thiêng Jerusalem

Phạm Hường

(Dân trí) - Thánh điện Thứ hai được xây bằng những khối đá khổng lồ. Giờ đây, chúng ta đã biết những khối đá này từ đâu ra.

Một mỏ đá có tuổi đời lên đến 2.000 năm vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện tại khu vực Har Hotzvim, Jerusalem. Đây có thể là nguồn cung cấp những khối đá khổng lồ để xây dựng Thánh điện Thứ hai.

Mỏ đá này có diện tích khoảng 3.500 m2, với nhiều khối đá nặng đến 2,5 tấn. Các hiện vật khác được tìm thấy tại đây bao gồm đồ dùng bằng đá, trong đó có một chiếc bình dùng cho lễ thanh tẩy.

Thánh điện Thứ nhất, được xây dựng vào thế kỷ X trước Công nguyên dưới thời vua Solomon, là nơi thiêng liêng nhất của người Do Thái tại Jerusalem, được xây dựng trên một ngọn đồi có tên là Núi Đền.

Ngôi đền này bị người Babylon phá hủy vào năm 587 trước Công nguyên.

Vào thế kỷ I Công nguyên, Vua Herod đã xây dựng lại ngôi đền trên cùng địa điểm cũ, được gọi là Thánh điện Thứ hai. Tuy nhiên, nó cũng bị san bằng sau cuộc chiến tranh với người La Mã.

Tìm ra nguồn gốc những khối đá khổng lồ xây đền thiêng Jerusalem - 1
Một chiếc thạp đá ở mỏ đá, được dùng trong lễ thanh tẩy người (Ảnh: Cơ quan Quản lý Di tích cổ Israel).

Theo Cơ quan Quản lý Di tích cổ Israel, mỏ đá này được phát hiện trong quá trình đào móng xây dựng một tổ hợp công trình thương mại. Dự kiến mỏ đá sẽ được bảo tồn và tích hợp vào khối kiến trúc của công trình.

Phát hiện này mang lại nhiều hiểu biết giá trị về quy mô xây dựng của Jerusalem trong thời kỳ phát triển cực thịnh, trước khi bị người La Mã phá hủy.

Giáo sư Amos Frumkin thuộc Viện Khoa học Trái Đất, Đại học Do Thái Jerusalem, phát biểu: "Khám phá này giúp chúng ta vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về năng lực kỹ thuật của thành phố và những nguồn tài nguyên vô tận đã đi vào những công trình kiến trúc biểu tượng của nơi đây".

Theo www.livescience.com