Phát hiện xác tàu cướp biển thế kỷ XVII ngoài khơi Ma Rốc

Phạm Hường

(Dân trí) - Đây là tàu cướp biển đầu tiên được tìm thấy ở giữa vùng biển Barbary một thời do cướp biển Hồi giáo hoành hành.

Phát hiện xác tàu cướp biển thế kỷ XVII ngoài khơi Ma Rốc - 1
Con tàu chở rất nhiều bình, chảo và các đồ kim loại khác được chế tác ở Algiers, vì thế người ta cho rằng nó đã được cướp biển ngụy trang thành một tàu buôn (Ảnh: Seascaped Artifact Exhibits Inc.)

Những người tìm kiếm đã phát hiện tàn tích của một tàu cướp biển Barbary chìm sâu ở vùng biển giữa Tây Ban Nha và Ma Rốc.

Theo nhà khảo cổ học hàng hải Sean Kingsley thì đây là tàu cướp biển Algiers đầu tiên được tìm thấy ở giữa biển Barbary.

Con tàu được trang bị rất nhiều vũ khí và có thể đang trên đường hướng về bờ biển Tây Ban Nha để bắt người làm nô lệ thì bị đắm. Trên tàu có rất nhiều bình và chảo có nguồn gốc từ thành phố Algiers ở Bắc Phi, đây có thể là bằng chứng cho việc cướp biển ngụy trang con tàu thành một tàu buôn hàng hóa.

Vào năm 2005, Công ty thám hiểm đại dương Odyssey có trụ sở ở Florida, Mỹ, đã tình cờ xác định vị trí đắm của con tàu này trong một cuộc tìm kiếm tàu chiến Sussex HMS của Anh bị mất tích, nhưng đến nay tin tức về con tàu cướp biển này mới được tiết lộ.

Phát hiện xác tàu cướp biển thế kỷ XVII ngoài khơi Ma Rốc - 2

Cướp biển Barbary là mối đe dọa khủng khiếp trên vùng biển Địa Trung hải và Đại Tây Dương từ thế kỷ XV đến XIX (Ảnh: Public domain).

Những tên cướp biển đáng sợ

Cướp biển Barbary chủ yếu là người Hồi giáo và bắt đầu hoạt động vào thế kỷ XV ở Algiers, khi đó là một phần của đế chế Ottoman.

Phần lớn bờ biển phía tây Bắc Phi từ Ma Rốc đến Libya ngày nay, hồi đó được gọi là bờ biển Barbary, cái tên xuất phát từ tên của người Berber sống ở vùng này.

Cướp biển ở đây hoành hành trong hơn 200 năm, chúng cướp tàu và người suốt dọc các vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Những người bị bắt trong các vụ cướp này bị giữ để đòi tiền chuộc hoặc bị bán làm nô lệ ở một số quốc gia Hồi Giáo ở Bắc Phi, cho đến đầu thế kỷ XX.

Tuy vậy hoạt động của cướp biển Barbary đã suy tàn vào đầu thế kỷ XIX khi chúng bị các nước Mỹ, Thụy Điển và Vương quốc Sicily ở miền nam Italy tiến hành nhiều cuộc chiến tranh đánh bại.

Phát hiện xác tàu cướp biển thế kỷ XVII ngoài khơi Ma Rốc - 3
Xác con tàu cướp biển này được định vị ở vùng nước sâu ở eo biển Gibraltar, khoảng giữa Ma Rốc và Tây Ban Nha. Nó được trang bị rất nhiều vũ khí, trong đó có các khẩu súng xoay bằng sắt (trong ảnh) và 4 khẩu thần công của Hà Lan (Ảnh: Seascape Artifact Exhibits Inc.)
Phát hiện xác tàu cướp biển thế kỷ XVII ngoài khơi Ma Rốc - 4
Bình rượu bằng thủy tinh, tìm thấy trên con tàu, được làm tại Bỉ hoặc Đức (Ảnh: Seascape Artifact Exhibits Inc.)

Con tàu đắm

Xác con tàu nằm dưới đáy biển ở eo biển Gibraltar, ở độ sâu khoảng 830 mét.

Con tàu dài khoảng 14 mét, thuộc loại tàu nhỏ có cánh buồm tam giác trên hai cột buồm và cũng có thể di chuyển bằng mái chèo, gọi là tàu tartane.

Cướp biển Barbary dùng tàu tartane vào thế kỷ XVII và XVIII, một phần là do loại tàu này dễ bị nhầm với tàu đánh cá, như vậy cướp biển dễ dàng trà trộn và ngụy trang.

Những người tìm kiếm đã sử dụng phương tiện điều khiển từ xa (ROV) và phát hiện ra con tàu này. Trên tàu có 4 khẩu thần công lớn, 10 khẩu súng xoay và nhiều súng hỏa mai cho khoảng 20 tên cướp biển.

Ngoài ra, con tàu còn được trang bị một "ống kính gián điệp" rất hiếm, một loại kính viễn vọng mang tính cách mạng vào thời điểm đó và có thể đã được lấy từ một con tàu châu Âu.

Các hiện vật là bằng chứng cho nhận định con tàu này là tàu cướp biển và chở rất nhiều hàng hóa bị đánh cắp.

Theo www.livescience.com