Tiêm kích tác chiến điện tử Boeing EA-18G "Growler" của Mỹ có gì đặc biệt?

Minh Khôi

(Dân trí) - Khả năng gây nhiễu radar của máy bay phản lực Boeing EA-18G mang lại một lợi thế lớn cho các chiến dịch quân sự, bất kể là phe tấn công hay phòng thủ.

Tiêm kích tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của Mỹ có gì đặc biệt? - 1

Boeing EA-18G Growler là một mẫu máy bay phản lực tác chiến điện tử điển hình (Ảnh: Getty Images).

Mới đây, Mỹ đã triển khai 6 máy bay tiêm kích tác chiến điện tử loại Boeing EA-18G "Growler" tới Đức để nâng cao năng lực răn đe và phòng thủ ở sườn đông NATO.

Loại vũ khí quân sự này được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không của đối phương bằng cách làm tê liệt các hệ thống radar thường gặp, từ đó mang lại cho các máy bay đồng minh một lợi thế lớn khi xảy ra giao tranh, cũng như khi thực hiện các nhiệm vụ quân sự đặc biệt.

Những lợi thế của chiến tranh điện tử

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD), 6 máy bay phản lực Boeing EA-18G "Growler" thuộc VAQ-134, một phi đội chuyên thực hiện các cuộc tác chiến điện tử của Hải quân Mỹ, còn được gọi là "Garudas", đóng tại Trạm Không quân Hải quân Đảo Whidbey, Puget Sound, Washington.

Theo một thông tin từ Hải quân Mỹ, những chiếc Boeing EA-18G là biến thể của máy bay chiến đấu F/A-18E "Super Hornet". Tuy nhiên thay vì thiết kế gốc, EA-18G loại bỏ nòng pháo 20mm để thay thế bằng thiết bị tác chiến điện tử.

Ngoài ra, 9 trạm vũ khí bên ngoài của máy bay cũng có thể được lắp tăng cường thêm thiết bị gây nhiễu điện tử bổ sung, bên cạnh đầu đạn tên lửa truyền thống.

Tiêm kích tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của Mỹ có gì đặc biệt? - 2

Một chiếc EA-18G Growler của lực lượng VAQ-134 đang hạ cánh xuống Căn cứ không quân Nellis ở Las Vegas (Mỹ) vào năm 2017 (Ảnh: Wikipedia).

Về cơ bản, hệ thống tác chiến điện tử trên những chiếc Boeing EA-18G được thiết kế để gây nhiễu các radar phòng không của phe đối lập bằng cách làm nhiễu tần số vô tuyến, hoặc đưa các tín hiệu sai lệch.

Được biết, radar phòng không phát ra hàng nghìn xung vô tuyến mỗi giây. Những xung này khi chạm vào vật thể bằng kim loại như máy bay, tàu chiến, sẽ phản xạ lại, mang theo thông tin về các phương tiện quân sự này được hiển thị trên màn hình. Nhờ đó, phe phòng thủ có thể phóng chính xác những quả tên lửa đất đối không vào máy bay từ khoảng cách hàng trăm km.

Tuy nhiên, những tên lửa đánh chặn này không thể hoạt động nếu hệ thống radar phòng không bị nhiễu, bị gián đoạn hoặc bị phá hủy. Do đó, khả năng gây nhiễu radar của máy bay phản lực Boeing EA-18G mang lại một lợi thế lớn cho các chiến dịch quân sự, bất kể là phe tấn công hay phòng thủ, vì chúng khiến các máy bay đồng minh trở nên "tàng hình".

Mặc dù một số radar tân tiến có thể được trang bị cách đối phó với tình trạng nhiễu sóng, nhưng thiết bị trên Growler cũng liên tục được nâng cấp, và chúng được thiết kế để xử lý với bất kỳ tình huống nào có thể gặp phải.

Tác chiến và phòng thủ

Tiêm kích tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler của Mỹ có gì đặc biệt? - 3

Cận cảnh một hệ thống gây nhiễu SPS-141 của Nga dùng cho các chiến dịch tác chiến điện tử, lắp trên máy bay Sukhoi Su-17 tại căn cứ không quân Manching, Đức (Ảnh: Getty Images).

EA-18G có thể được trang bị với 5 thiết bị gây nhiễu chiến thuật ALQ-99, cộng thêm 2 tên lửa tự vệ AIM-120 AMRAAM, hai tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM để tiêu diệt các trạm radar của đối phương.

Trong đó, tên lửa chống radar AGM-88 HARM được thiết kế để dựa vào đường truyền radar từ hệ thống phòng không của đối phương, sau đó xác định vị trí, rồi phóng đi với độ chính xác cao. Còn tên lửa tự vệ AIM-120 AMRAAM là tên lửa không đối không tầm trung, với mục đích bắn chặn để phòng thủ hiệu quả trước máy bay chiến đấu của đối phương.

Theo các tài liệu quân sự, bên cạnh khả năng gây nhiễu, hệ thống tác chiến điện tử của máy bay cũng có khả năng xác định và tìm ra vị trí của các radar phòng không, và tự động chuyển thông tin này cho các lực lượng đồng minh.

Tuy nhiên phạm vi, cũng như chi tiết về cách thức mà máy bay EA-18G thực hiện các cuộc tấn công là những bí mật quân sự, luôn được bảo vệ vô cùng chặt chẽ.

Theo Flight Global, Hải quân Mỹ hiện đang sở hữu 153 chiếc Boeing EA-18G đang vận hành, còn Hải quân Hoàng gia Úc sở hữu 11 chiếc. Các mẫu máy bay tác chiến điện tử này bắt đầu được chế tạo vào năm 2007, sau đó được cung cấp cho các phi đội vào năm 2009. EA-18G "Prowler" được chế tạo để thay thế những chiếc EA-6B "Prowler" đã cũ của hải quân Mỹ.