Thuốc mới có thể hỗ trợ ngăn ngừa mất thính giác
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude đã phát thấy rằng việc ức chế enzyme có tên là cyclin-dependent kinase 2 (CDK2) có thể bảo vệ chuột khỏi mất thính giác do tiếng ồn hoặc do thuốc gây ra.
Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Medicine mới đây cho thấy rằng chất ức chế CDK2 giúp ngăn ngừa các tế bào bên trong tai chết. Điều này có khả năng cứu chữa cho hàng triệu người trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 360 triệu người trên toàn thế giới bị mất thính giác trong đó bao gồm 32 triệu trẻ em bị mất thính giác do các khuyết tật bẩm sinh hoặc các yếu tố khác gây ra. Những yếu tố này bao gồm bệnh truyền nhiễm, do dùng thuốc hoặc tiếp xúc với tiếng ồn quá mức. Tuy nhiên, hiện nay không có loại thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị mất thính giác nào được FDA chấp thuận.
Mới đây, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Jian Zuo đứng đầu đã tiến hành sàng lọc hơn 4.000 loại thuốc có khả năng bảo vệ các tế bào ốc tai khỏi các tác nhân hóa học cisplatin. Cisplatin là thuốc được dùng để điều trị hàng loạt bệnh ung thư nhưng lại gây mất thích lực không thể phục hồi ở gần 70% bệnh nhân.
Zuo và các đồng nghiệp đã xác định được nhiều hợp chất bảo vệ các tế bào ốc tai khỏi cisplatin, một số đã được chấp thuận để điều trị các căn bệnh khác. Có 3 trong số 10 hợp chất có khả năng ức chế enzyme CDK2 hữu hiệu nhất. Một trong những chất ức chế CDK2 đó là kenpaullone, có hiệu quả hơn 4 chất khác hiện đang được thử nghiệm lâm sàng cho điều trị mất thính giác.
Việc tiêm thuốc kenpaullone vào trong tai giữa cho thấy đã bảo vệ chuột khỏi mất thính giác do cisplatin gây ra. Hơn nữa, kenpaullone cũng bảo vệ mất thính giác của chuột do tiếp xúc với tiếng ồn lớn 100dB.
“Mức âm lượng tiếng ồn 100 dB nằm trong phạm vi âm có thể gây tổn hại thính giác, thuốc kenpaullone cho thấy có thể ứng dụng lâm sàng trong điều trị mất thính giác do tiếng ồn gây ra”, Zuo cho biết.
Trong trường hợp mất thính giác gây ra do cisplatin, kenpaullone dường như bảo vệ các tế bào lông bằng cách ngăn ngừa CDK2 kích thích sản xuất oxy hoạt tính độc hại từ ty thể của tế bào.
“Bảo vệ này cho thấy các chất ức chế CKD2 có thể làm thay đổi các biện pháp dự phòng và điều trị lâm sàng đối với các tình trạng mất thính giác do tiếng ồn và do cisplatin gây ra. Việc điều chỉnh phác đồ điều trị, tối ưu hóa việc bổ sung các phương pháp phân phối thuốc thông qua ứng dụng hydrogel cùng với việc thay đổi cấu trúc của các hợp chất bằng các dược chất hóa học có thể đảm bảo thu được các đạt kết quả tốt hơn nữa trong điều trị mất thính giác ở người”, Zuo nói.
P.T.T-NASATI (Theo Science Daily)