DNews

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người?

T.Thủy

(Dân trí) - Nhiều thông tin trên mạng internet và tin đồn lan truyền trong dân gian về một loại rắn tại Việt Nam có kích thước nhỏ bằng cây đũa nhưng lại có thể cắn chết người. Vậy sự thật về tin đồn này là gì?

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người?

Tin đồn về loài rắn nhỏ như chiếc đũa, cực độc có thể cắn chết người

Tại một số tỉnh thành ở Việt Nam thường lan truyền tin đồn về một loài rắn có kích thước rất bé nhỏ, nhưng sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm. Loài rắn này có đặc điểm nhận dạng giống với giun đất, nhưng lớp da bóng và dài hơn.

Dựa vào mô tả của loài rắn có trong tin đồn, không quá khó để nhận ra con vật được nhắc đến chính là rắn giun.

Tìm kiếm thông tin về loài rắn giun trên internet và mạng xã hội, nhiều người cũng nhận được những câu trả lời cho rằng đây là loài rắn cực độc và có khả năng cắn chết người.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 1

Những bình luận trên mạng xã hội cho rằng rắn giun là một loài rắn độc nguy hiểm (Ảnh chụp màn hình).

Tại Việt Nam có ghi nhận sự tồn tại của 5 loài rắn giun, nhưng phổ biến nhất trong đó là loài rắn giun thường, có tên khoa học Ramphotyphlops braminus. Đặc điểm chung của các loài rắn giun đó là có kích thước nhỏ với hình dạng bên ngoài giống giun đất. Đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi của loài rắn này.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 2

Rắn giun có màu sắc và hình dạng bên ngoài giống với giun đất, nhiều người nhầm lẫn đây là giun chứ không phải rắn (Ảnh: Animalia).

Dù hình dáng bên ngoài giống giun đất, rắn giun lại là một loài rắn với đầy đủ đặc điểm sinh học của rắn như có xương sống, có vảy, sử dụng lưỡi để định hướng, xác định con mồi…

Các loài rắn giun thường có màu đồng nhất, lưng đen bóng hoặc nâu sáng, với bụng sáng màu hơn. Một số loài rắn giun có màu sắc phân biệt rõ giữa phần lưng và bụng.

Rắn giun là loài rắn nhỏ nhất thế giới, khi trưởng thành cũng chỉ dài tối đa 20cm, khiến chúng trông giống với giun đất. Rắn giun có phần đầu thuôn tròn, đầu không phân biệt với thân, phần đuôi thuôn hoặc có chóp nhọn, lưỡi nhỏ màu trắng.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 3

Rắn giun sống thích sống chui rúc và ẩn mình dưới đất nên khó bắt gặp (Ảnh: Thai Nation Parks).

Loài rắn này có đôi mắt rất nhỏ, chỉ như 2 dấu chấm trên đầu và hầu như không có tác dụng để quan sát, do vậy rắn giun còn có tên gọi là "rắn mù". Mắt của loài rắn này không thể tạo ra hình ảnh, nhưng có thể giúp chúng phản ứng với cường độ ánh sáng, từ đó phân biệt được môi trường xung quanh.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 4

Rắn giun có mắt rất nhỏ và chỉ có tác dụng giúp chúng nhận biết cường độ ánh sáng môi trường (Ảnh: Animals of Tanay).

Rắn giun thường sống chui rúc dưới mặt đất, trong các đống đổ nát hoặc trong các thân cây mục… Loài này hoạt động mạnh vào mùa mưa nhưng sẽ vùi sâu trong đất khi mùa đông đến. Vào mùa hè, rắn giun cũng chui sâu trong đất để tránh nhiệt độ cao. Thức ăn của rắn giun là kiến, mối, ấu trùng của các loài côn trùng…

Rắn giun là loài rắn sinh sản đơn tính, tất cả các cá thể đều là con cái, có khả năng đẻ trứng mà không cần thụ tinh.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 5

Rắn giun là loài rắn nhỏ nhất thế giới với chiều dài tối đa chỉ khoảng 20cm (Ảnh: Pinterest).

Rắn giun là loài phân bố rộng trên toàn cầu, bao gồm châu Á, châu Phi, vùng Trung Đông, khu vực Mexico đến Bắc Mỹ… tại Việt Nam, rắn giun cũng được phân bố rộng trên khắp cả nước.

Trên thực tế, rắn giun không phải là loài rắn hiếm gặp, nhưng do chúng thường chui rúc dưới đất và ít khi bò ra ngoài để kiếm ăn, bên cạnh đó hình dáng của chúng trông giống với giun đất nên nhiều người nhầm lẫn và không nhận ra đây là một loài rắn.

Rắn giun có hình dáng giống giun đất, nhưng tốc độ di chuyển nhanh hơn (Video: Như Hứa).

Rắn giun có khả năng cắn chết người hay không?

Vậy sự thật về tin đồn rắn giun cực độc và cắn chết người là như thế nào? Đây là một tin đồn thất thiệt và trên thực tế rắn giun không sở hữu nọc độc.

Thực hư loài rắn tại Việt Nam bé bằng cây đũa nhưng có nọc độc chết người? - 6

Rắn giun có miệng rất nhỏ và không thể cắn người (Ảnh: AZAnimals).

Như vậy, tin đồn về loài rắn nhỏ như cây đũa và sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người là hoàn toàn không có thật. Do có kích thước nhỏ, rắn giun rất hiền lành và nhút nhát, luôn tìm cách bỏ trốn khi gặp nguy hiểm. Khi bị đe dọa, loài rắn này có thể phát ra mùi khó chịu để tự vệ.

Giờ đây, bạn có thể an tâm nếu bắt gặp rắn giun và có thể bỏ mặc chúng hoặc tìm cách di dời đi nơi khác nếu những con rắn này bò vào nhà.

Cận cảnh một cá thể rắn giun tại Thái Lan (Video: Sunil Raj).

Một điều cần lưu ý, bạn không nên nhầm lẫn giữa rắn giun và rắn trun, một loài rắn vô hại khác mà Dân trí đã từng giới thiệu tại đây. Cũng như rắn giun, rắn trun bị đồn là "có 2 đầu và sở hữu nọc độc chết người", nhưng sự thật lại không đúng như vậy.