Tại sao một số người nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt kì lạ?

Trang Phạm

(Dân trí) - Thường xuyên nhìn thấy những khuôn mặt mà trên thực tế không hề tồn tại, như trên mây hay trên các tòa nhà, là hiện tượng phổ biến đến mức đã có hẳn một cái tên là Pareidolia - Ảo giác.

Trong tiếng Hy Lạp, pareidolon có nghĩa là "vượt ra khỏi hình ảnh", hiểu đơn giản là ảo giác, hay dị giác. Một số nhà khoa học tin rằng khả năng kỳ lạ của một số người trong việc tìm thấy khuôn mặt trong các đồ vật hàng ngày đã chỉ ra một hiểu biết mới về cách bộ não của chúng ta xử lý thế giới bên ngoài. 

Con người được "lập trình" để nhìn thấy những khuôn mặt?

Để tìm hiểu kỹ hơn, Kang Lee, giáo sư tâm lý học ứng dụng và phát triển con người tại Đại học Toronto (Canada), đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu cách trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn xử lý khuôn mặt.

"Ngay từ khi được sinh ra, chúng ta bắt đầu tìm kiếm những khuôn mặt. Đó là sản phẩm của hàng triệu năm tiến hóa. Một lý do là tổ tiên của chúng ta cần phải tránh những kẻ săn mồi hoặc tìm con mồi, tất cả đều có khuôn mặt. Thứ hai, con người là loài động vật rất có tính xã hội. Khi tương tác với nhau, chúng ta cần biết liệu người kia có phải là bạn hay thù", giáo sư Lee nói.

Tại sao một số người nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt kì lạ? - 1

Hầu hết mọi người sẽ nhìn thấy một khuôn mặt trong gốc cây này (ảnh: Getty Images). 

Sự tiến hóa cũng có thể giải thích hiện tượng pareidolia. Vì khả năng nhanh chóng nhận ra và phản ứng với các khuôn mặt khác nhau có thể là vấn đề sinh tử, nên việc không nhìn thấy mặt sư tử trong bụi cây sẽ phải trả giá cao hơn nhiều so với việc nhầm một bông hoa màu cam và đen với khuôn mặt của một con sư tử. 

Não bộ tốt hơn nên tạo ra pareidolia nếu điều đó có nghĩa là bạn cũng sẵn sàng nhận ra nguy hiểm thực sự.

Mắt hay não hoạt động trước?

Quá trình tiến hóa đã lập trình bộ não của chúng ta để ưu tiên các khuôn mặt, nhưng chính xác thì tất cả hoạt động như thế nào? Đó mới là điều mà giáo sư Lee muốn tìm hiểu.

Thông thường, mắt tiếp nhận các kích thích thị giác từ thế giới bên ngoài như ánh sáng, màu sắc, hình dạng, chuyển động và gửi thông tin đó đến vỏ não thị giác nằm trong vùng não được gọi là thùy chẩm. Sau khi thùy chẩm chuyển dữ liệu thô thành hình ảnh, những hình ảnh đó sẽ được gửi đến thùy trán, nơi thực hiện quá trình xử lý cấp cao. 

Mô hình thông thường đó được giáo sư Lee gọi là xử lý "từ dưới lên", trong đó vai trò của bộ não là tiếp nhận thông tin một cách thụ động và hiểu nó. Nếu bộ não nhìn thấy khuôn mặt ở khắp mọi nơi, đó là bởi vì bộ não đang phản ứng với các kích thích giống như thật, về cơ bản là bất kỳ cụm điểm và không gian nào giống như hai mắt, mũi và miệng.

Tuy nhiên, giáo sư Kang Lee và các nhà nghiên cứu khác bắt đầu đặt câu hỏi về mô hình xử lý từ dưới lên. Họ tự hỏi liệu có phải ngược lại không: một quá trình "từ trên xuống".

Giáo sư Kang Lee cho biết: "Chúng tôi muốn biết liệu thùy trán có thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta nhìn thấy khuôn mặt hay không. Thay vì hình ảnh khuôn mặt đến từ bên ngoài, não bộ tạo ra một số loại mong đợi từ thùy trán, sau đó quay trở lại thùy chẩm và cuối cùng đến mắt của chúng ta, sau đó chúng ta nhìn thấy khuôn mặt".

Nhìn thấy Chúa Giê-su trên miếng bánh nướng

Tại sao một số người nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt kì lạ? - 2

Miếng bánh nướng 10 tuổi đã được bán với giá 28.000 USD vào năm 2004. Người bán nói rằng sau khi cắn một miếng, cô thấy Mẹ Maria trên miếng bánh đang nhìn lại mình (ảnh: Getty Images/AFP).

Câu hỏi đó là điều khiến ông Lee nghĩ về pareidolia. Ông đã đọc những câu chuyện về những người nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giê-su, các thiên thần trên bánh mì nướng và bánh ngô của họ, sau đó tự hỏi liệu mình có thể xây dựng một thử nghiệm xung quanh nó hay không.

Vì vậy, giáo sư Lee đã tuyển một loạt người bình thường tham gia thử nghiệm. Sau đó kết nối họ với một máy quét cộng hưởng từ fMRI và cho xem một loạt ảnh có bề mặt sạn. Một số trong đó có các khuôn mặt ẩn và một số là nhiễu thuần túy. 

Những người tham gia được thông báo rằng một nửa số hình ảnh có một khuôn mặt (không có thật) và được hỏi với mỗi hình ảnh mới: "Bạn có nhìn thấy một khuôn mặt không?" Kết quả những người tham gia cho biết họ nhìn thấy một khuôn mặt với tỉ lệ 34%.

Điều thú vị nhất đối với giáo sư Lee là những hình ảnh quay lại từ quá trình quét fMRI theo thời gian thực. Khi những người tham gia báo cáo nhìn thấy một khuôn mặt, "vùng mặt" của vỏ não thị giác của họ sáng lên, ngay cả khi không có khuôn mặt nào trong ảnh. Điều đó cho thấy một phần khác của não phải "nói" với vỏ não thị giác để nhìn thấy một khuôn mặt.

Trong một nghiên cứu khác có tên: "Nhìn thấy Chúa Giê-su trong bánh mì nướng: Tương quan thần kinh và hội chứng pareidolia", Lee và các đồng nghiệp của ông đã báo cáo rằng khi bộ não được "chuẩn bị sẵn sàng" để nhìn thấy khuôn mặt, thì mong đợi được nhìn thấy khuôn mặt xuất phát từ thùy trán, cụ thể là một khu vực được gọi là hồi trán dưới.

"Nó liên quan đến việc tạo ra một số loại ý tưởng và sau đó hướng dẫn vỏ não thị giác của chúng ta nhìn mọi thứ. Nếu ý tưởng là một khuôn mặt, thì nó sẽ nhìn thấy một khuôn mặt. Nếu ý tưởng là Chúa Giê-su, tôi khá chắc chắn rằng vỏ não sẽ nhìn thấy Chúa. Nếu ý tưởng là Elvis, thì nó sẽ gặp Elvis. Rất nhiều thứ chúng ta nhìn thấy trên thế giới không đến từ tầm nhìn mà đến từ bên trong tâm trí", giáo sư Lee cho hay.

Tại sao một số người nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt kì lạ? - 3

Tảng đá có tạo hình giống khuôn mặt một người đàn ông.

Giáo sư Lee cũng đã tham gia nghiên cứu về trẻ sơ sinh và thành kiến chủng tộc. Ông phát hiện ra rằng, những đứa trẻ nhỏ nhất có thể nhận ra sự khác biệt giữa các khuôn mặt của tất cả các chủng tộc nhưng mất khả năng đó khi lớn lên. Đến 9 tháng, chúng chỉ có thể phân biệt được những gương mặt cùng chủng tộc. Phần còn lại bắt đầu mờ đi cùng nhau. Lý do là họ chỉ được tiếp xúc với những khuôn mặt cùng chủng tộc (trong hầu hết các trường hợp là bố và mẹ) trong 9 tháng đầu đời.

Từ nghiên cứu của mình, giáo sư Lee tin rằng những thành kiến về chủng tộc không phải là vấn đề sinh học. Chúng ta chỉ đơn giản là học cách tin tưởng những người trông giống như khuôn mặt mà chúng ta đã thấy khi bộ não của chúng ta mới phát triển. Điều này có thể phát triển sau này thành các loại thành kiến khác nhau dựa trên thông điệp xã hội và khuôn mẫu.

"Lý do có những thành kiến về chủng tộc là do những trải nghiệm ban đầu. Nếu chúng ta tạo ra một trải nghiệm xã hội và thị giác đa dạng cho trẻ em, thì chúng sẽ ít có thành kiến hơn", giáo sư Lee nhấn mạnh.

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm