1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tại sao bạn lại đỏ mặt?

(Dân trí) - Khi bạn gọi nhầm tên của ai đó, hoặc vô tình làm vỡ một chiếc ly ở nhà hàng, tại sao khuôn mặt bạn lại chuyển sang màu đỏ trong khi bạn không hề muốn bị chú ý và khiến bạn xấu hổ hơn nữa? Điều này rất không công bằng.

Tại sao bạn lại đỏ mặt? - 1

Thậm chí còn kỳ lạ hơn nữa khi được chú ý trong tình huống tích cực, chẳng hạn như được khen ngợi, cũng có thể làm bạn đỏ mặt.

Đỏ mặt là một hiện tượng hoàn toàn chỉ có ở con người, và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Dưới đây là những điều chúng ta đã biết về đỏ mặt:

Đỏ mặt là gì?

Khi bạn ở trạng thái cảm xúc căng thẳng, chẳng hạn như xấu hổ khi va vào tách cà phê của ai đó, hoặc hồi hộp khi bắt gặp ánh mắt của một người rất lôi cuốn, cơ thể bạn sẽ giải phóng ra adrenalin. Điều này làm cho các mạch máu giãn ra để máu và ô-xy có thể di chuyển nhanh hơn trong cơ thể. Các tĩnh mạch trên mặt cũng giãn ra, làm cho nhiều máu chảy qua hơn và do đó mặt bạn sẽ đỏ lên.

Và không chỉ có đôi má của bạn đỏ ửng lên, các “vùng bị đỏ” cũng có thể bao gồm tai, cổ và ngực và mỗi người cũng bị đỏ mặt theo những cách khác nhau. Một số người thì đỏ mặt rất nhanh chóng, một số lại từ từ lan ra các nơi trên cơ thể.

Một số người dễ đỏ mặt hơn những người khác, đôi khi còn có người mắc chứng sợ bị đỏ mặt erythrophobia.

Tại sao mọi người lại đỏ mặt

Charles Darwin đã viết rằng: “đỏ mặt là loại biểu hiện đặc biệt nhất và con người nhất trong tất cả các biểu hiện của con người”, và điều này vẫn luôn đúng. Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về lý do tại sao mọi người lại đỏ mặt, tuy nhiên vẫn đưa ra một số giả thuyết thú vị.

Ray Crozier, một giáo sư danh dự tại Khoa khoa học xã hội của Đại học Cardiff (Anh) và là tác giả của nhiều bài báo và cuốn sách, trong đó có các cuốn “Hiểu biết về đỏ mặt” và “Đỏ mặt và các cảm xúc xã hội”, viết rằng đỏ mặt giống như một kiểu xin lỗi không lời theo các quy ước xã hội. Khi bạn làm một điều gì đó đáng xấu hổ và phá vỡ chuẩn mực, khuôn mặt đỏ ứng cho thấy rằng bạn đã nhận ra sai lầm của mình.

Có cách nào để tránh đỏ mặt không?

Không thực sự tránh được điều đó. Bạn không thể kiểm soát được hệ thống thần kinh giao cảm. Ngay cả những người có thể chủ động khóc vào đúng lúc nào đấy cũng không thể tự làm mình đỏ mặt.

Về mặt lý thuyết, có thể sử dụng thực tế này để tránh nó: nếu bạn cố tình muốn đỏ mặt, thì bạn lại không đỏ mặt được. Nhà tâm lý Viktor Frankl, tác giả của cuốn sách bán rất chạy “Man’s Search For Meaning” - Đi tìm lẽ sống – gọi phương pháp này là “ý định nghịch lý” – cố tình tập luyện một thói quen về thần kinh là một cách để xác định và loại bỏ nó.

Tuy nhiên, nói thì vẫn luôn dễ hơn làm. Cách dễ dàng duy nhất để dừng đỏ mặt là hít thở thật sâu và để cho thời điểm máu và adreanalin dồn lên mặt trôi qua. Cảm thấy quá xấu hổ về điều ngại ngùng của mình chỉ làm cho mọi việc tệ hơn. Và tất nhiên, khi bạn càng lo lắng về đỏ mặt, thì nó lại càng dễ xảy ra.

Tuy nhiên, dường như chúng ta nên tự hào về khuôn mặt đỏ ửng. Vì một nghiên cứu đã cho thấy rằng những người dễ đỏ mặt thường là những người hào phóng hơn, đáng tin và đức hạnh hơn. Phụ nữ có xu hướng đỏ mặt nhiều hơn, và các nhà khoa học nghi ngờ rằng đó là cách để họ chứng minh với nam giới rằng mình là người đức hạnh.

Nếu bạn bị đỏ mặt đến mức cực đoan, thì có thể dùng một loại thuốc để ngăn chặn các mạch máu khỏi giãn nở. Và mỗi năm ở Anh có khoảng 200 người thực hiện thủ thuật “cắt dây thần kinh giao cảm” để cắt bỏ vĩnh viễn các dây thần kinh điều khiển mạch máu trên khuôn mặt.

May mắn thay, đối với phần lớn mọi người, đỏ mặt chỉ là một bất tiện nhỏ.

Anh Thư (Tổng hợp)