Tái chế đầu lọc thuốc lá làm vật liệu xây đường sá
(Dân trí) - Các nhà khoa học Australia mới đây đã nghiên cứu thành công việc sử dụng đầu lọc thuốc lá như một “chất phụ gia” giúp nhựa đường tăng khả năng chịu tải và giảm tính dẫn nhiệt.
Mỗi năm, có hàng tỷ điếu thuốc lá được sản xuất trên thế giới, điều này cũng đồng nghĩa với hàng tỷ đầu lọc thuốc lá bị thải ra ngoài môi trường mỗi năm. Hầu hết chúng đều bị thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) của Austraila, do Tiến sĩ Abbas Mohajerani đã công bố một nghiên cứu mới về việc tái chế dầu lọc thuốc lá thành nguyên liệu để xây dựng đường sá.
Nghiên cứu mới đã cho thấy rằng hỗn hợp nhựa đường khi được thêm vào "chất phụ gia” là các mẩu đầu lọc thuốc lá đã qua xử lý có thể giúp các con đường tăng cường khả năng chịu tải, và giảm tính dẫn nhiệt.
Sử dụng đầu lọc thuốc lá như một “chất phụ gia” giúp nhựa đường tăng khả năng chịu tải và giảm tính dẫn nhiệt.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Australia có tác động tích cực đến môi trường. Nghiên cứu không chỉ giúp giải quyết được hàng tỷ số lượng rác thải đầu lọc thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm, mà còn giúp khắc phục hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” đang trở nên phổ biến tại nhiều thành phố lớn.
Tiến sĩ Abbas Mohajerani cho biết từ các đầu lọc thuốc lá, họ đã phát triển một loại cốt liệu mới cho nhựa đường nóng tương tự như nhiều cốt liệu khác. Khi thêm các đầu lọc thuốc lá vào nhựa đường nóng, “chất phụ gia” này sẽ giúp giảm cường độ của thành phẩm, từ đó giảm được tính dẫn nhiệt của vật liệu.
Mohajerani cho biết thêm họ đang phát triển các quy trình tái chế các đầu lọc thuốc lá thành vật liệu xây dựng với quy mô lớn hơn. Theo ông, những gì họ cần làm hiện nay là tạo ra quy trình được chấp nhận, cũng như những hướng dẫn rõ ràng cho lĩnh vực mới này.
Tiến sĩ Mohajerani và các cộng sự đã mất tới 5 năm để có được kết quả nghiên cứu này. Nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí Xây dựng và Vật liệu (Elsevier).
Đoàn Dương (Theo Science Daily)