Sự chuyển mình của năng lượng tái tạo tại Việt Nam
(Dân trí) - Trong công cuộc chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt, thể hiện vai trò dẫn dắt tại các thị trường có tiềm năng phát triển như Việt Nam.
Triển vọng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Việt Nam được thúc đẩy bởi mức độ tăng trưởng nhanh chóng về dân số và kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được dự báo đạt mức 6%, cao hơn nhiều mức trung bình toàn cầu và vượt trội so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc về Đông Nam Á cũng tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Việt Nam có nền tảng vững chắc về năng lượng tái tạo với công suất năng lượng lắp đặt trên 46.000MW vào năm 2023, dẫn đầu khu vực về tổng công suất năng lượng tái tạo lắp đặt, theo báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA).
Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0. Quy hoạch phát triển Điện VIII (PDP8) dự kiến sản xuất khoảng 27% điện gió và điện mặt trời vào năm 2030, khoảng 50% là thủy điện, khí đốt và các nguồn năng lượng carbon thấp khác.
Kế hoạch này tiến tới hoàn toàn loại bỏ sử dụng than đá vào năm 2050. Các nhà máy điện khí sẽ chuyển đổi sang dùng ammonia, hydro và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điện gió, điện mặt trời và thủy điện được định hướng sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng năng lượng trong tương lai.
Việt Nam hiện là thành viên trong Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể, hỗ trợ xúc tiến mục tiêu quốc gia về năng lượng carbon thấp.
Lộ trình mở rộng, phát triển sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam dự kiến sẽ mang lại thêm 26GW công suất điện gió và điện mặt trời.
Những chiến lược đang được áp dụng
Việt Nam đang tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện cùng với EVN, thông qua ủng hộ các giải pháp lưu trữ năng lượng phù hợp để hỗ trợ tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện mở rộng, đồng thời tăng tính linh hoạt của hệ thống điện.
Trong khi đó, chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) vừa mới hoàn thiện và các nỗ lực tự do hóa thị trường cung cấp tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư tiềm năng, dù còn nhiều câu hỏi về động lực tài chính cần giải quyết trong đề án DPPA ảo.
Theo chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), khách hàng có mức tiêu thụ hàng tháng lớn, trên 500.000kWh sẽ có cơ hội mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất. Điều kiện này tạo thuận lợi để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời phân tán.
Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu chính thức để thúc đẩy tăng trưởng năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi, mặc dù các thách thức về công suất lưới điện và tắc nghẽn lưới điện có khả năng sẽ ảnh hưởng đến lộ trình dự kiến. Hiện tỷ suất hoàn vốn nội bộ đối với các dự án năng lượng tái tạo vẫn ở mức thấp, trung bình dưới 5%.
Điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ trở thành lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam sau năm 2030, với tiềm năng xuất khẩu đầy hứa hẹn sang các quốc gia ASEAN khác. Đơn cử, cơ quan quản lý năng lượng của Singapore đã chấp thuận nhập khẩu có điều kiện 1,4 GW năng lượng carbon thấp từ Việt Nam, chủ yếu là năng lượng gió ngoài khơi, nhằm giải quyết nguồn lực hạn chế về năng lượng của quốc gia này.
5 đề xuất nhằm phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Cơ hội cũng như thách thức đặc thù cho các đơn vị phát triển, đầu tư và vận hành năng lượng tái tạo được nghiên cứu trong một báo cáo mới nhất do Boston Consulting Group (BCG) thực hiện, với tên gọi: "Châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho năng lượng tái tạo. Những 'người chơi' trong thị trường này thì sao?".
Các chuyên gia của BCG đề xuất năm yếu tố then chốt cần xem xét cho chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Thứ nhất, cần tập trung vào những thị trường và công nghệ cụ thể.
Thứ hai, thiết lập mạng lưới đối tác địa phương để tiếp cận đất đai và môi trường pháp lý.
Thứ 3, đa dạng hóa các phương án tài chính để giải quyết các thách thức về mức độ sinh lời thấp và sức ép cạnh tranh gia tăng.
Thứ 4, điều hướng chuỗi cung ứng bằng cách hợp tác với các "người chơi" địa phương và đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa.
Thứ 5, nâng cao hiểu biết về hợp đồng mua bán năng lượng để tăng thế cạnh tranh trong các quy trình đấu thầu.
"Nền kinh tế tăng trưởng mạnh và cam kết mạnh mẽ đối với chuyển đổi năng lượng của Việt Nam tạo ra cơ hội hấp dẫn cho các bên trong hệ sinh thái năng lượng. Các bên liên quan cần xem xét vai trò, vị thế của mình và chuẩn bị nền tảng vững vàng, sẵn sàng nắm bắt và tận dụng tiềm năng tăng tốc của công nghệ năng lượng tái tạo trong tương lai", chuyên gia BCG nhận định.