Song song nhiều phương thức canh tác nông nghiệp: Giải pháp cho vấn đề an ninh lương thực!
(Dân trí) - Trong khi ngày càng nhiều các gia đình tầng lớp trung, thượng lưu "chi mạnh" cho thực phẩm hữu cơ vì lo ngại các vấn đề an toàn thực phẩm thì hàng triệu trẻ em đang đói khát vì thiếu lương thực. Tồn tại đồng thời nhiều phương thức canh tác nông nghiệp được cho là giải pháp hữu hiệu, giải quyết các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng hiện nay.
Thế giới cần nhiều lương thực hơn
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) mới đây đã công bố rằng, các cuộc xung đột và điều kiện thời tiết xấu tiếp tục làm gia tăng bất ổn lương thực và kéo dài thêm danh sách các quốc gia cần viện trợ lương thực từ bên ngoài. Hiện đã có 39 quốc gia cần viện trợ lương thực, tăng thêm 2 quốc gia so với báo cáo được công bố vào tháng 3 vừa qua là Senegal và Cape Verde.
FAO cũng dự báo rằng, sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2018 sẽ giảm 1,5% so với mức kỷ lục đạt được hồi năm trước. Sự sụt giảm xảy ra nhiều hơn ở một số vùng như Nam và Bắc Mỹ, Nam Phi… và sẽ khiến nhiều trẻ em, người nghèo trên thế giới rơi vào tình trạng thiếu ăn.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank), ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt mới: cần tạo ra sản phẩm "nhiều hơn từ ít hơn", tạo ra nhiều giá trị kinh tế cũng như phúc lợi của người nông dân và người tiêu dùng, sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên và con người ít hơn.
Nghĩa là khi dân số đang tăng theo cấp số mũ, nhu cầu lương thực cũng tăng cao nhưng cùng lúc đó, nguồn tài nguyên tự nhiên như đất sản xuất, nước, phù sa… ngày càng eo hẹp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng nặng nề hơn khiến sản xuất nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn hơn.
Tại Việt Nam, 24,5 triệu hộ nông dân nhỏ phụ thuộc vào các giải pháp BVTV để ngăn ngừa dịch hại và áp lực cỏ dại gây hại cho cây trồng làm giảm năng suất khi thu hoạch. Trong hệ thống các biện pháp BVTV, việc sử dụng thuốc hóa học từ những năm 50 của thế kỉ 20 cho tới nay vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng.
Michelle Miller – một nhà văn, diễn giả và là một nông dân hữu cơ tại bang Iowa (Mỹ), cũng cho rằng, trong khi ngày càng nhiều trẻ em thiếu ăn thì cũng có rất nhiều người tiêu dùng mua thực phẩm hữu cơ với niềm tin loại thực phẩm này không sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu. Thế nhưng, sự thật thì hoàn toàn khác: có tới 5.500 sản phẩm thuốc trừ sâu và hóa chất được sử dụng trong canh tác hữu cơ.
Theo bà Michelle, dù có một số phương pháp giúp người nông dân có thể giảm nhẹ áp lực sâu bệnh, nhưng cuối cùng, họ vẫn phải chiến đấu với 30.000 loài cỏ dại và 10.000 loại sâu bệnh. Sâu bệnh không "loại trừ" những nông trại canh tác hữu cơ, kết quả là áp lực sâu bệnh khiến trung bình một vườn táo hữu cơ phải phun thuốc nhiều hơn 32 lần trong mùa sinh trưởng. Lý do chủ yếu là vì các loại thuốc trừ sâu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên thường không đủ hiệu quả.
"Việc sử dụng thuốc trừ sâu đôi khi nghe có vẻ đáng sợ, nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là liều lượng mới gây ra độc hại và thuốc trừ sâu đã được kiểm định độ an toàn trong vòng 18 năm", bà Michelle đọc các nghiên cứu và đưa ra kết luận.
Ngoài ra, thuốc trừ sâu được quản lý cực kỳ gắt gao và có thể chỉ được sử dụng ở mức vài ounce trên một mẫu Anh, sau đó hoa quả luôn luôn được rửa sạch. Hơn nữa, luôn có khoảng thời gian cách ly trước khi thu hoạch nên thực phẩm hoàn toàn an toàn và được kiểm tra cẩn thận
Canh tác hữu cơ hay tồn tại đồng thời?
Tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Đức, Canada… từ lâu đã tồn tại đồng thời nhiều mô hình canh tác nông nghiệp, gồm canh tác theo kiểu truyền thống, canh tác hữu cơ, trồng cây đầu dòng và các giống biến đổi gene, cây trồng công nghệ sinh học.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gọi đây là sự tồn tại đồng thời (co-existence), là phương thức canh tác cùng lúc các loại cây trồng khác nhau như trên tại các khu vực tiếp giáp nhau, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và lựa chọn của nông dân.
Mô hình tồn tại đồng thời nhiều phương thức canh tác nông nghiệp đã được thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới. Bà Janna Salder – một học giả tại Nuffield đồng thời là nông dân đến từ Wongan Hills, Tây Úc, chia sẻ, bà đã tới Mỹ và Canada, nơi cây trồng BĐG chiếm ưu thế để tìm hiểu cách thức các phương thức canh tác cùng "sống chung" với nhau. Tại đó, sự hiện diện của các thành phần biến đổi gen trong sản phẩm hữu cơ cuối cùng không ảnh hưởng tới danh xưng "hữu cơ" của ngành nông nghiệp này.
Hay như tại Châu Âu, mô hình tồn tại đồng thời cây ngô hữu cơ, truyền thống và biến đổi gen đã được ứng dụng thành công ở Tây Ban Nha, Anh hay ở Ý... Năm 2014, Tây Ban Nha đã canh tác hơn 131.500 ha cây ngô Bt, chiếm 92% diện tích ngô Bt tại EU.
Bên cạnh diện tích rộng lớn trồng ngô biến đổi gen, các cánh đồng lân cận đồng thời trồng ngô Bt hoặc ngô thường để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy có một số báo cáo về sự pha tạp không cố ý của gen biến đổi trong ngô hữu cơ, nhưng đó là do việc triển khai chưa tốt các thực hành đồng canh tác phù hợp…
TS Vũ Trọng Khải – Chuyên gia độc lập về Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng nhận định, nền nông nghiệp truyền thống vốn dĩ là nông nghiệp hữu cơ. Trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta lại vào loại thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất lạc hậu… nên nền nông nghiệp hữu cơ cho năng suất thấp đã không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của con người.
Việc thừa hưởng những thành tựu khoa học của thế giới và trong nước về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất sử dụng hóa chất, sử dụng máy móc trong cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, vật nuôi... đã giúp nền nông nghiệp Việt Nam về cơ bản đã trở thành một nền nông nghiệp hóa học hóa và cơ giới hóa một số khâu sản xuất, thay thế nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống. Đặc biệt, sử dụng rộng rãi các giống cây trồng và vật nuôi mới cho năng suất cao… đã giúp đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của con người cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, nông nghiệp Việt Nam hiện tồn tại nhiều sản phẩm không an toàn cho người sử dụng, đồng thời, nền nông nghiệp hóa học hóa góp phần trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường sinh thái ở một số vùng…
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang tổ chức thực hành nông nghiệp tốt (GAP) theo VietGAP hay GlobalGAP và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, dựa trên sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS Khải, dù có thực hiện phổ biến GlobalGAP, nền nông nghiệp vẫn được phép sử dụng hóa chất theo những tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu để phát triển nền nông nghiệp vừa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vừa cung cấp đủ số lượng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập cho người lao động nông nghiệp.
Nhật Hồng