1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Siêu kính viễn vọng" có thể phát hiện sự sống trên các hành tinh ngoại hệ

Minh Khôi

(Dân trí) - Kính viễn vọng James Webb hứa hẹn sẽ "thắp sáng" những vùng trời mà con người chưa thể vươn tới trước đây nhờ năng lực mạnh mẽ chưa từng có.

Siêu kính viễn vọng có thể phát hiện sự sống trên các hành tinh ngoại hệ - 1

Kính viễn vọng James Webb vốn dĩ không được thiết kế cho nhiệm vụ "săn lùng" sự sống ngoài hành tinh, nhưng nó vẫn làm được, đơn giản vì hệ kính của đài thiên văn này là quá mạnh mẽ.

Các thành phần cho sự sống được cho là trải rộng khắp vũ trụ. Dựa vào phép tính tương đối, các nhà khoa học nhận định có khoảng 300 triệu hành tinh có tiềm năng ẩn chứa sự sống chỉ riêng trong dải Ngân hà của chúng ta. Trong đó, một số hành tinh sinh sống được thậm chí có kích thước ngang bằng Trái Đất, và cách chúng ta chỉ khoảng 30 năm ánh sáng.

Các nhà thiên văn học cũng phát hiện ra hơn 5.000 ngoại hành tinh, trong đó có hàng trăm hành tinh có thể sinh sống được, nhờ vào các phương pháp gián tiếp đo lường mức độ ảnh hưởng của hành tinh đó đến các ngôi sao lân cận.

Thế nhưng tính đến thời điểm hiện nay, vẫn chỉ có duy nhất Trái Đất là nơi tồn tại của sự sống. Những phép đo nói trên có thể cung cấp cho các nhà khoa học thông tin về khối lượng và kích thước của một ngoại hành tinh, nhưng lại chẳng thể mang đến một thông tin nào chi tiết hơn.

Điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai gần, khi siêu kính viễn vọng James Webb đi vào hoạt động và "thắp sáng" những vùng trời mà con người chưa thể vươn tới trước đây.

Ngay khi bắt đầu với những lần quét đầu tiên, James Webb đã "đọc" được quang phổ của hành tinh khí khổng lồ WASP-96b. Quang phổ này cho thấy sự hiện diện của nước và mây trên bầu khí quyển của hành tinh, cũng là những yếu tố căn bản của sự sống.

Siêu kính viễn vọng có thể phát hiện sự sống trên các hành tinh ngoại hệ - 2

Vũ trụ thuở hồng hoang qua lăng kính của James Webb (Ảnh: NASA).

Mặc dù các nhà khoa học khẳng định rằng một hành tinh có nhiệt độ nóng như WASP-96b khó có thể có sự sống, nhưng dữ liệu ban đầu này cho thấy James Webb có khả năng đáng mừng, đó là phát hiện được các dấu hiệu mờ nhạt của hóa học trong ánh sáng đến từ các hành tinh ngoại hệ.

Trong vài tháng tới, James Webb sẽ hướng gương cầu về phía TRAPPIST-1 - hệ sao có tới 7 hành tinh giống Trái Đất. Đây cũng là nơi mà các nhà khoa học tin rằng sẽ có ít nhất 1 hành tinh tồn tại sự sống, là TRAPPIST-1e. Hành tinh này có kích thước tương đương Trái Đất, và nằm trong vùng có thể sinh sống được.

Điều thú vị là kính viễn vọng James Webb vốn dĩ không được thiết kế cho nhiệm vụ "săn lùng" sự sống ngoài hành tinh, nhưng nó vẫn làm được, đơn giản vì hệ kính của đài thiên văn này là quá mạnh mẽ.

NASA cho biết James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đó nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m (gấp 3 lần so với Hubble) được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, và các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua bụi và khí.

Khả năng nhìn thấu ánh sáng hồng ngoại của James Webb cũng cho phép kính thiên văn này quan sát sâu hơn, ngược trở lại thời điểm xảy ra Vụ Nổ Lớn cách đây 13,8 tỷ năm. Ở thời điểm hiện tại, những hình ảnh về vũ trụ được quan sát sớm nhất trong khoảng 330 triệu năm kể từ sau Vụ Nổ Lớn.

Không chỉ vậy, Webb cũng sẽ được trợ lực thêm bằng 3 hệ thống kính viễn vọng mặt đất, vốn được thiết kế chuyên về săn tìm cấu trúc sinh học, gồm có: Kính viễn vọng Magellen (Chile); Kính viễn vọng "European Extremely Large" của Đài thiên văn Nam Âu (Chile); và Kính viễn vọng "30 Mét" đang xây dựng ở Hawaii.