Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh "thiên hà nhảy múa"

Sau bức ảnh "vượt thời gian" về những vật thể vũ trụ 13 tỉ năm trước được công bố ngày 11/7, NASA tiếp tục tung 4 hình ảnh ngoạn mục khó tin được chụp từ siêu kính viễn vọng James Webb.

"Mỗi hình ảnh là một khám phá mới và mỗi hình ảnh sẽ mang đến cho nhân loại cái nhìn về chính nhân loại theo cách mà chúng ta chưa từng được thấy trước đây" - AP dẫn lời Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson.

Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh thiên hà nhảy múa - 1

Siêu kính viễn vọng James Webb (Ảnh: WEBB/NASA).

1. Quang phổ của hành tinh khổng lồ WASP-96P

Hành tinh khí khổng lồ này được phát hiện vào năm 2013, nằm cách chúng ta 1.150 năm ánh sáng, đại diện cho một thể loại hành tinh không hiện hữu trong hệ Mặt Trời.

Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh thiên hà nhảy múa - 2

Quang phổ của hành tinh khổng lồ WASP-96P (Ảnh: WEBB/NASA).

Hành tinh cực nóng có khối lượng bằng 1/2 Sao Mộc nhưng đường kính lớn hơn 1,2 lần vì bị "phồng rộp", quay quanh một ngôi sao mẹ giống Mặt Trời nhưng đã 8 tỉ tuổi. 1 năm trên hành tinh này chỉ dài 3,4 ngày và bề mặt trên 1.000 độ C.

Tầm nhìn siêu việt của James Webb đã giúp nắm bắt được quang phổ hành tinh, cho thấy dấu hiệu rõ ràng của nước và mây mù mà các quan sát trước đó đã cho là không tồn tại.

2. Thiên hà nhảy múa

"Bộ tứ Stephan" - chùm thiên hà trong chòm sao Pegasus, được tìm thấy từ năm 1877 lần đầu tiên được chụp ảnh rõ ràng. 4 trong số 5 thiên hà tạo thành 1 liên kết vật lý đặc biệt gọi là Nhóm Hickson Compact 92 (HCG 92).

Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh thiên hà nhảy múa - 3

Cụm thiên hà nhảy múa (Ảnh: WEBB/NASA).

Thiên hà thứ 5 nằm hơi "lẻ bầy", gọi là NCG 7320, theo góc nhìn từ Trái Đất sẽ nằm phía trước so với 4 thiên hà còn lại. NCG 7320 cách Trái đất 40 triệu năm ánh sáng trong khi bộ tứ đang khiêu vũ cách 290 triệu năm ánh sáng.

3. Tinh vân "Southern Ring"

Đó là một tinh vân hành tinh cách chúng ta khoảng 2.500 năm ánh sáng trong chòm sao Vela, còn được gọi là NGC 3132, có đường kính khoảng 0,5 năm ánh sáng.

Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh thiên hà nhảy múa - 4

Tinh vân Southern Ring (Ảnh: WEBB/NASA).

Tinh vân tuyệt đẹp được thể hiện dưới ánh sáng xanh và cam trong hình ảnh của James Webb thực ra là những thì đang thoát ra từ 2 ngôi sao sắp chết.

4. Tinh vân Carina

Tinh vân này lại là một vườn ươm sao khổng lồ của vũ trụ, được phát hiện từ năm 1750, nhưng nhờ James Webb mới hiện ra rõ ràng trong mắt nhân loại, trông như một cảnh núi non và thung lũng hùng vĩ.

Siêu kính viễn vọng James Webb công bố loạt ảnh thiên hà nhảy múa - 5

"Vườn ươm sao" Carina (Ảnh: WEBB/NASA).

Bên trong tinh vân là hàng loạt ngôi sao "baby" lấp lánh tuyệt đẹp, những thế giới mà khi trưởng thành rất có thể sinh ra những hành tinh như Trái Đất. Hiện tinh vân này vẫn ở trong giai đoạn hình thành sao mạnh mẽ.

Theo nld.com.vn