1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Nhịp tim" vũ trụ được phát hiện cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng

Minh Khôi

(Dân trí) - Một vụ nổ sóng vô tuyến nhanh và lặp lại, kéo dài hơn 1.000 lần so với các sự kiện tương tự đã được phát hiện đến từ một ngôi sao neutron ở xa Trái Đất.

Nhịp tim vũ trụ được phát hiện cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng - 1

Nghiên cứu mới phát hiện thấy tín hiệu sóng vô tuyến lặp đi lặp lại từ một thiên hà xa xôi (Ảnh: NSF).

Mới đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một tín hiệu sóng vô tuyến lặp đi lặp lại từ một thiên hà xa xôi. Khám phá này có thể giúp chúng ta lần đầu tiên xác định được nguồn gốc của các vụ nổ sóng vô tuyến (còn gọi là FRB).

Trước đây, các nhà khoa học quan niệm FRB là những đợt bùng phát sóng vô tuyến cực mạnh từ các thiên hà cách xa hàng tỷ năm ánh sáng. Chúng chỉ kéo dài vỏn vẹn vài mili-giây trước khi chớp tắt, chỉ xảy ra một lần duy nhất.

Tuy nhiên, tín hiệu mới tạm gọi là FRB-20191221A, lại kéo dài tới ba giây, dài hơn gấp 1.000 lần so với một FRB thông thường, và cũng có dạng lặp lại rõ ràng nhất từng được phát hiện cho đến nay.

Sự kiện bất thường này giúp các nhà khoa học thêm tin tưởng vào giả thuyết rằng chúng xuất phát từ các ngôi sao neutron nơi thiên hà xa xôi.

"Điều này thực sự rất bất thường", Daniele Michilli, nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết. "Nó không chỉ rất dài khi được ghi nhận tới 3 giây, mà còn có những cực đại tuần hoàn chính xác đến mức đáng kinh ngạc. Nó giống như một nhịp tim vậy. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận tín hiệu tự phát ra theo chu kỳ".

Nhịp tim vũ trụ được phát hiện cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng - 2

Ảnh mô tả về một vụ nổ sóng vô tuyến (FRB) khi chúng hướng tới Trái đất, với màu sắc biểu thị các bước sóng khác nhau (Ảnh: NASA).

Hiện, nhóm nghiên cứu đang cố gắng giải mã và thu thập thêm các vụ nổ từ cùng một nguồn nêu trên, với hy vọng sẽ tìm ra một điều gì đó đang gây ra các FRB bất thường này.

Họ cũng cho rằng FRB 20191221A có thể được sử dụng như một loại "đồng hồ vật lý thiên văn" nhờ đặc tính tuần hoàn đáng tin cậy của nó. Theo Michilli, do tần số của vụ nổ này sẽ thay đổi khi nó di chuyển khỏi Trái Đất, nên hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để đo lường chính xác sự giãn nở của vũ trụ.

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2007, các vụ nổ sóng vô tuyến FRB đã là một bí ẩn đối với các nhà thiên văn học. Theo lý thuyết, chúng ta có thể theo dõi các vụ nổ này và tìm ra nguồn gốc thiên hà của chúng, nhưng lại không thể phát hiện ra nguồn phát xạ chính xác.

Một giả thuyết hàng đầu được cho là nguyên nhân gây ra sự phát xạ FRB là các ngôi sao neutron - còn gọi là sao xung vô tuyến và sao nam châm. Khám phá mới đây cho thấy lý thuyết này có vẻ là hướng đi đúng.

Theo www.space.com