Sẽ viết lại lịch sử tiến hoá của cá mập bởi hóa thạch 410 triệu năm tuổi?
(Dân trí) - Một con cá bọc thép kỳ lạ được khai quật ở Mông Cổ dài chưa đầy 30cm có thể khiến lịch sử tiến hoá của loài cá mập phải viết lại.
Nó được xác định là một người anh em họ cổ đại của những sát thủ đại dương hiện đại. Được đặt tên là Minjinia turgenensis, sinh vật này có những mảng xương trên đầu và vai đóng vai trò như lá chắn.
Minjinia turgenensis lang thang trên các vùng biển thời tiền sử 170 triệu năm trước khi những con khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.
Tiến sĩ Martin Brazeau, đến từ trường Cao đẳng Hoàng gia London, cho biết: “Con cá có thể dài từ 20 đến 30 cm. Hiện chỉ có một phần của hộp sọ được bao phủ bởi một lớp giáp xương dày. Chúng tôi biết từ mối quan hệ của nó với các loài cá tương tự khác từ thời điểm này, nó có thể đã có một lớp giáp rộng ở mặt và vai”.
Phát hiện này được cho có thể làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của cá mập. Minjinia thuộc về một nhóm được gọi là động vật có gai. Chúng là loài cá có hàm đầu tiên.
Tiến sĩ Brazeau thông tin: "Bề ngoài của nó trông giống như các loài cá da phiến khác. Chúng tôi đã tìm thấy những mảnh giáp có họa tiết trang trí tương tự như mái trên đầu. Những điều này cho thấy có thể đã có những chiếc gai xương ở phía trước vây, hoạt động như một lớp bảo vệ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có bộ xương đầy đủ. Giống như đại đa số các loài cá ở thời điểm này, nó có khả năng là loài săn mồi nhưng vẫn chưa thể nói chính xác những gì nó đã ăn”.
Ngày nay, bộ xương của cá mập có cấu tạo bằng sụn có mật độ khoảng một nửa so với xương. Trong khi đó Minjinia hoàn toàn trái ngược. Sụn được biết là có trước. Người ta tin rằng cá mập đã tách ra khỏi các loài động vật khác trước khi có xương.
Phát hiện cho thấy cá mập có xương và sau đó mất chúng thay vì giữ nguyên trạng thái sụn ban đầu của chúng trong hơn 400 triệu năm.
"Thật là bất ngờ. Bộ xương bên trong là một sự đổi mới độc đáo từ tổ tiên của loài cá mập hơn 400 triệu năm trước. Đây là bằng chứng rõ ràng về bộ xương bên trong ở người anh em họ của cả cá mập và cuối cùng là chúng ta”, tiến sĩ Brazeau nhận định.
Khi chúng ta đang phát triển dưới dạng bào thai, con người và động vật có xương sống có bộ xương bằng sụn giống như cá mập. Nhưng một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của chúng ta khi xương này được thay thế bằng xương “nội sụn” cứng hình thành nên khung xương của chúng ta sau khi sinh.
Tiến sĩ Brazeau cho biết các mảnh sọ của Minjinia là "nội sụn liền vách". Nó chỉ ra một lịch sử thú vị hơn với cá mập.
“Nếu cá mập có bộ xương và mất nó, đó có thể là một sự thích nghi tiến hóa. Một bộ xương nhẹ hơn sẽ giúp chúng dễ di chuyển hơn trong nước và bơi ở các độ sâu khác nhau. Đây có thể là điều đã giúp cá mập trở thành một trong những loài cá toàn cầu đầu tiên, lan rộng ra các đại dương trên khắp thế giới 400 triệu năm trước”, tiến sĩ Brazeau giải thích.
Cá mập có khả năng phục hồi đáng kể. Chúng đã sống sót sau tất cả năm cuộc tuyệt chủng hàng loạt toàn cầu khiến 80% hệ động vật khổng lồ của hành tinh không còn tồn tại. Tuy nhiên, việc truy tìm sự tiến hóa của chúng không dễ vì sụn hóa thạch không được bảo quản tốt như xương.