Sao Mộc chiếm kỷ lục từ Sao Thổ nhờ 12 vệ tinh mới

Minh Khôi

(Dân trí) - Sao Mộc giờ đây là hành tinh có nhiều mặt trăng nhất trong Hệ Mặt Trời.

Sao Mộc chiếm kỷ lục từ Sao Thổ nhờ 12 vệ tinh mới - 1

Hình minh họa quỹ đạo các mặt trăng vốn có của Sao Mộc, không bao gồm 12 mặt trăng mới được tìm thấy (Ảnh: Space).

Sao Mộc không chỉ là hành tinh lớn nhất và nặng nhất trong Hệ Mặt Trời. Giờ đây, hành tinh khí khổng lồ này còn sở hữu số lượng mặt trăng lớn nhất quay xung quanh nó.

Kết quả mới này được xác lập sau khi các nhà khoa học phát hiện ra thêm 12 mặt trăng khác, nâng tổng số mặt trăng của hành tinh này lên con số 92.

Theo Sky and Telescope, quỹ đạo của 12 mặt trăng mới thuộc Sao Mộc vừa được công bố bởi Trung tâm Hành tinh (MPC) do Đài quan sát Vật lý Thiên văn Smithsonian quản lý.

Với khám phá này, Sao Mộc chính thức vượt qua kỷ lục trước đó của Sao Thổ, để trở thành "hành tinh có nhiều mặt trăng nhất trong Hệ Mặt Trời".

Trong số 12 mặt trăng mới, có 9 mặt trăng nằm ở vị trí rất xa so với Sao Mộc, với quỹ đạo lên tới 550 ngày. Dẫu vậy, các mặt trăng này cũng tương đối nhỏ, với chỉ 5 trong số 9 có đường kính lớn hơn 8 km.

Sao Mộc chiếm kỷ lục từ Sao Thổ nhờ 12 vệ tinh mới - 2

Sao Mộc chính thức trở thành "hành tinh có nhiều mặt trăng nhất trong Hệ Mặt Trời". Trong ảnh là mô phỏng quỹ đạo thực tế của chúng (Ảnh: Sky and Telescope).

Điều thú vị là 9 mặt trăng ở xa cũng có "quỹ đạo ngược". Nghĩa là chúng quay quanh hành tinh khí khổng lồ theo hướng ngược lại với hướng quay vốn có của nó. Theo một số chuyên gia, quỹ đạo quay ngược của các mặt trăng có thể lý giải về nguồn gốc của chúng.

Giả thuyết được đặt ra đó là chúng thuộc phần còn lại của các thiên thể lớn hơn bị vỡ ra do va chạm. Sau đó, chúng bị lực hấp dẫn mạnh mẽ của Sao Mộc "chiếm giữ", và tạo thành các vệ tinh quay xung quanh và tách biệt với những mặt trăng quỹ đạo thuận vốn có.

Lý do phải tới nay con người mới phát hiện ra thêm những mặt trăng bị ẩn giấu là bởi ánh sáng phản chiếu từ Sao Mộc đã che khuất những mặt trăng này. Hệ quả là mãi đến năm 2000, các nhà thiên văn học mới chỉ phát hiện ra 5 trong số những mặt trăng của Sao Mộc. Trong 2 thập kỷ qua, chỉ có thêm 8 mặt trăng trong nhóm này được tìm thấy

Theo Space, các mặt trăng mới phát hiện của Sao Mộc có thể trở thành mục tiêu tuyệt vời cho các sứ mệnh trong tương lai được thiết lập với chuyến bay ngang qua Sao Mộc, bao gồm sứ mệnh JUICE của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ khởi động vào tháng 4/2023 và Europa Clipper của NASA sẽ khởi động vào tháng 10/2024.