1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất trong vòng 50.000 năm

Minh Khôi

(Dân trí) - Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) sẽ bay ở khoảng cách gần Trái Đất tới mức độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất trong vòng 50.000 năm - 1

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) phát sáng vào ban đêm trên những dãy núi (Ảnh: Getty Images).

Theo Space, sao chổi có tên C/2022 E3 (ZTF) sẽ tiến đến vị trí gần nhất so với hành tinh của chúng ta, hay còn gọi là cận điểm, vào ngày 1/2.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng trước nguy cơ sao chổi va chạm với Trái Đất. Nguyên nhân là bởi ngay cả ở khoảng cách gần nhất, nó cũng cách chúng ta xấp xỉ 2 triệu km, tương đương với 28% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Lần cuối cùng sao chổi này đi qua Hệ Mặt Trời của chúng ta là khoảng từ 50.000 năm trước. Theo dự đoán của các nhà quan sát, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) sẽ "thắp sáng" bầu trời đêm đến mức có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường trong điều kiện thích hợp.

Bạn cũng có thể quan sát sao chổi trong nhiều ngày, từ khi nó tiếp cận hành tinh của chúng ta, cho tới khi tiến xa dần.

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất trong vòng 50.000 năm - 2

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) được chụp bởi nhà quan sát Miguel Claro chụp (Ảnh: Miguel Claro).

Theo In-the-Sky, tại Hà Nội và TPHCM đều có thể quan sát sao chổi khi trời tối, cụ thể là từ lúc 18:40, với góc nhìn nằm trong khoảng 32 độ trên tính từ trên đường chân trời phía Bắc. Sao chổi sẽ tiếp tục được quan sát cho đến khoảng 3:38 sáng, cho tới khi nó xuống thấp hơn 20 độ dưới tính từ đường chân trời.

Theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL), chu kỳ quỹ đạo của C/2022 E3 (ZTF) là 50.000 năm.

Điều này nghĩa là lần cuối cùng nó đến gần Trái Đất, hành tinh của chúng ta đang ở giữa thời kỳ băng hà cuối cùng hay còn gọi là "Kỷ băng hà".

Nói cách khác, đây có thể được coi là lần quan sát bằng mắt thường đầu tiên của con người thời hiện đại.

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất trong vòng 50.000 năm - 3

Vị trí sao chổi khi nó tiếp cận Trái Đất (Ảnh: Sky).

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF) lần đầu tiên được xác định vào tháng 3/2022 bởi Đài quan sát Palomar ở California (Mỹ) khi nó đang di chuyển bên trong quỹ đạo của Sao Mộc.

Ban đầu, các nhà thiên văn học nghi ngờ rằng đó là một tiểu hành tinh, nhưng C/2022 E3 (ZTF) nhanh chóng sáng lên khi nó đến gần Mặt Trời. Đây là một hành vi đặc trưng, chỉ có ở các sao chổi khi chúng tiếp cận Mặt Trời và được làm nóng bởi bức xạ từ ngôi sao của chúng ta.

Lúc này, vật chất ở bề mặt của sao chổi chuyển từ trạng thái băng rắn sang dạng khí, trong một quá trình gọi là "thăng hoa". Cũng nhờ trạng thái đặc biệt này mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát sao chổi phát sáng dù ở khoảng cách rất xa.