Sáng tỏ bí ẩn về cỗ máy cổ đại Antikythera

Nam Đoàn

(Dân trí) - Sử dụng các kỹ thuật dùng để phân tích các gợn sóng trong không gian và thời gian, các nhà nghiên cứu chuyên về sóng hấp dẫn đã làm sáng tỏ bí ẩn về thời gian của cỗ máy Antikythera.

Sáng tỏ bí ẩn về cỗ máy cổ đại Antikythera - 1
Các bộ phận của cỗ máy Antikythera được trục vớt vào năm 1901 (Ảnh: Geo).

Năm 1901 ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp, khi trục vớt tàu chở hàng 2.000 năm tuổi, người ta thu được nhiều bức tượng bằng đồng, cẩm thạch tinh xảo, vòng trang sức, đồ gốm cùng một hòm tiền xu.

Giữa những thứ lấp lánh đó, ai có thể đoán được rằng cỗ máy bằng đồng nứt vỡ chỉ to bằng chiếc hộp đựng giày, trong khi phần khắc chữ đã mòn vẹt còn bánh răng bị vôi hóa, lại là một khám phá mê hoặc giới nghiên cứu suốt hơn một thế kỷ.

Mới đây, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp thiên văn học thay vì khảo cổ học để đưa ra cái nhìn sâu sắc mới về cỗ máy Antikythera, được tạo ra để tính toán chính xác vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh.

Nó có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và được cộng đồng khoa học coi là máy tính tín hiệu analog đầu tiên trên thế giới.

Các nhà thiên văn học từ Đại học Glasgow bắt đầu khám phá số lượng lỗ có thể có trên một trong những vòng bị vỡ của cỗ máy Antikythera, gọi là vòng lịch.

Đại học Glasgow (Vương quốc Anh) giải thích: "Vì chiếc vòng bị vỡ và chưa hoàn thiện nên chúng tôi không biết chính xác ban đầu có bao nhiêu lỗ".

Họ đã sử dụng 2 kỹ thuật phân tích thống kê để khám phá các gợn sóng không gian và thời gian, kết quả cho thấy chiếc vòng có thể có 354 hoặc 355 lỗ trong một vòng tròn có bán kính 77,1mm.

Sáng tỏ bí ẩn về cỗ máy cổ đại Antikythera - 2

Bản vẽ mô phỏng cấu tạo của máy Antikythera (Ảnh: UCL).

Nhà thiên văn học Joseph Bayley, Đại học Glasgow cho biết: "Các nghiên cứu trước đây cho rằng, vòng lịch có thể đã tuân theo lịch âm và các kỹ thuật mà chúng tôi áp dụng trong nghiên cứu này đã làm tăng thêm minh chứng cho giả thuyết".

Hy vọng rằng những phát hiện về cỗ máy Antikythera sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách người Hy Lạp chế tạo và sử dụng thiết bị đặc biệt này.

Vào thời kỳ sơ khai khoảng 2.100 năm trước, cỗ máy Antikythera là một công cụ phức tạp, hoạt động quay vòng giống như đồng hồ, gồm ít nhất 30 bánh răng bằng đồng với hàng nghìn răng cưa nhỏ lồng vào nhau.

Hoạt động của nó được hỗ trợ bởi một tay quay duy nhất, cỗ máy này đã mô hình hóa thời gian trôi qua và chuyển động của các thiên thể với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Nó có các vòng số đếm ngày theo ít nhất ba loại lịch khác nhau và một loại dùng để tính thời gian của Thế vận hội. Các kim xoay vòng đại diện cho 5 ngôi sao (Kim tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, Thủy tinh và Mộc tinh) cùng Mặt Trời và Mặt Trăng để chỉ ra vị trí của chúng trong mối quan hệ với Trái Đất.